Quay lại

Người tiêu dùng ngày càng thiện chí với sản phẩm xanh

Sản phẩm xanh bền vững theo Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định, mục tiêu thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam... Tuy nhiên, bối cảnh mới đang đặt ra những giải pháp để nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân và DN tham gia nhiều hơn vào việc sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Tác động thuận cho DN và người tiêu dùng

Tại Tọa đàm với chủ đề: “Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững” do Tạp chí Công Thương thực hiện ngày 30/8, ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong hơn 2 năm qua, Bộ đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; triển khai những mô hình thu gom, tái chế, những mô hình về tái sản xuất, tái sử dụng đối với nguyên vật liệu, sản phẩm trong một số ngành, lĩnh vực.

“Sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh các nguồn nguồn nguyên vật liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt. Việc nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như phân phối xanh, giúp các DN tiếp cận được những xu thế trên thế giới sẽ vừa là cơ hội vừa là điều kiện bắt buộc đối với các DN trong phát triển bền vững”, ông Quang khẳng định.

nguoi tieu dung ngay cang thien chi voi san pham xanh hinh anh 1

Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương)

Là một trong những đơn vị tư vấn hàng đầu trong chủ trương về sản xuất gắn với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong ngành công nghiệp than - khoáng sản, ông Nguyễn Hoàng Huân, Công ty CP Tin học, Công nghệ, môi trường - Vinacomin (VITE) nêu thực tế, quá trình triển khai sản xuất xanh, sạch hơn các DN nói chung cũng như các DN sản xuất than nói riêng có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường một cách tốt hơn.

“Khi đã là xu hướng tất yếu đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến các DN. Nhưng sản xuất xanh có thể giúp nâng cao hiệu quả của các dự án, đồng thời uy tín của DN trên thị trường cũng được nâng cao; các sản phẩm sản xuất ra cũng có tính cạnh tranh cao hơn, dễ dàng chiếm lĩnh thị trường”, ông Huân thừa nhận.

 

Từ góc độ của DN tiên phong trong việc phát triển theo xu hướng “xanh”, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Quản lý Bộ phận bà Thị Mỹ Hưng - Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội DN, MM Mega Market Việt Nam khẳng định, người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ rất chủ động trong việc tìm kiếm những sản phẩm hay những dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững hơn và không khó để thấy những hình ảnh quen thuộc là những bạn trẻ chủ động khi họ đi mua hàng.

“Nếu DN có những cải tiến về sản phẩm, dịch vụ thân thiện hơn với môi trường, người tiêu dùng cũng sẽ sẵn sàng thay đổi lựa chọn, thay đổi hành vi tiêu dùng. Đây là tác động hai chiều giữa người tiêu dùng và DN”, bà Mỹ Hưng nhìn nhận.

nguoi tieu dung ngay cang thien chi voi san pham xanh hinh anh 2

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Quản lý Bộ phận bà Thị Mỹ Hưng - Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội DN, MM Mega Market Việt Nam

Chính sách ưu tiên khuyến khích

Để có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra, Việt Nam sẽ cần xây dựng, ban hành thêm những khung pháp lý, chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng tới xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng. Đặc biệt, cần chú trọng việc kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững hình thành liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu dùng các sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc VITE cho rằng, một trong những giải pháp đầu tiên đó là giải pháp về cơ chế, chính sách và ưu tiên và khuyến khích DN nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất. Việc làm này giúp DN tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cũng như cải tạo để kịp thời đáp ứng mục tiêu tiết kiệm năng lượng cũng như nâng cao sản lượng và hiệu quả của trang thiết bị đầu tư.

“Quan trọng nhất là cần có những cơ chế, chính sách giúp các DN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vì chi phí của nó rất lớn vì vậy nguồn vốn này có thể là vừa giá rẻ và thời gian ưu đãi dài. Trong khi đó sản xuất xanh và sạch không thể tính trong ngày 1 ngày 2 cần một nguồn vốn dài hạn và ổn định nên nhà nước cần phải có những chính sách mang tính chất khuyến khích và ưu tiên”, ông Huân đề nghị.

 

nguoi tieu dung ngay cang thien chi voi san pham xanh hinh anh 3

Ông Nguyễn Hoàng Huân, Công ty CP Tin học, Công nghệ, môi trường - Vinacomin (VITE)

Lưu ý khi áp dụng những quá trình sản xuất xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững, ông Cù Huy Quang chỉ rõ, các DN cần xác định một nhận thức rất rõ ràng, quá trình chuyển đổi sang nền xuất xanh, tiêu dùng bền vững là con đường chiến lược để DN hướng tới phát triển bền vững.

“Nhà nước cần phải hoàn thiện những chính sách, những khung pháp lý làm sao để hỗ trợ được các DN trong việc chuyển đổi sang nền sản xuất xanh, hướng đến quá trình phát triển bền vững. Từ đó có thể ưu tiên cho những lĩnh vực, những ngành áp dụng công nghệ xanh, sạch để khuyến khích các DN khác chuyển đổi mô hình, phương pháp, phương thức xanh hóa trong quá trình sản xuất cũng như trong quá trình tiêu dùng”, ông Quang nhấn mạnh.

Nguồn: VOV