Trung Quốc "cứu" tăng trưởng: Không có giải pháp nào dễ dàng
Thời gian này, Erin Yao lẽ ra đã ghi danh vào một lớp học múa và đi du lịch - những hoạt động mà cô không thể có trong suốt 3 năm Trung Quốc đóng cửa chống Covid-19. Nhưng thay vào đó, Yao tiết kiệm nhiều hơn cả trong thời gian đại dịch - một điều trái ngược với những gì mà giới phân tích kỳ vọng ở người tiêu dùng nước này khi Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế chống dịch.
“Tôi tự hỏi liệu mình đã tiết kiệm đủ tiền để phòng trường hợp bất ngờ bị ốm hay chưa? Nếu thất nghiệp, tôi có đủ tiền để sống cho tới khi tìm được công việc mới hay không?” Yao, 30 tuổi, làm nghề biên tập sách, nói với hãng tin Reuters.
TRUNG QUỐC ĐỐI MẶT "THẬP KỶ MẤT MÁT"?
Việc Yao thận trọng trong chi tiêu được xem là một hệ quả của mô hình tăng trưởng kinh tế được Trung Quốc theo đuổi từ những năm 1980 - mô hình mà nhiều nhà kinh tế học cho là phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư bất động sản, hạ tầng và công nghiệp, trong khi không giúp người tiêu dùng kiếm được nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn đủ để trở thành một trụ cột của nền kinh tế.
Sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây khiến cho việc tái cân bằng nền kinh tế càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc chuyển giao nguồn lực cho các hộ gia đình đòi hỏi những quyết định khó khăn có khả năng gây ra thêm những “nỗi đau” trong ngắn hạn.
Đặc biệt tăng tỷ trọng của hộ gia đình trong tổng thu nhập quốc gia đồng nghĩa với sự suy giảm tỷ trọng của các khu vực khác, có thể là doanh nghiệp - nhất là những ngành công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc - hoặc khu vực chính phủ. “Sự suy giảm của những lĩnh vực này sẽ khiến cho suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của công ty tư vấn Fathom Consulting, ông Juan Orts, nhận định với Reuters.
“Chúng tôi cho rằng đây là một cái giá mà Trung Quốc không sẵn sàng trả”, ông Orts nói và cho rằng Trung Quốc sẽ đi vào vết xe đổ của Nhật Bản, tức là trải qua những “thập kỷ mất mát” với tăng trưởng kinh tế trì trệ - điều đã xảy ra ở đất nước mặt trời mọc từ những năm 1990.
Về lý thuyết, Yao có thể chi tiêu nhiều hơn nếu cô tìm được một công việc mang lại thu nhập cao hơn mức lương tháng 8.000 Nhân dân tệ (1.097 USD) hiện nay - bằng chưa đầy 1/5 số tiền mà các nhà biên tập sách ở Mỹ có thể kiếm được, theo dữ liệu từ trang tuyển dụng Glassdoor.
Nhưng thị trường việc làm ở Trung Quốc đang yếu, với tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ đang ở mức cao kỷ lục hơn 21%. Khu vực kinh tế tư nhân, chiếm khoảng 80% việc làm mới được tạo ra ở thành thị, vẫn đang trong quá trình phục hồi sau thời kỳ suy yếu vì các biện pháp siết chặt kiểm soát của Chính phủ đối với ngành công nghệ và một số ngành khác. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy việc cấp vốn tín dụng cho doanh nghiệp, nhưng bản thân các doanh nghiệp lại đang bị hạn chế bởi sự suy yếu của nhu cầu trong nước.
BÀI TOÁN AN SINH XÃ HỘI
Có một cách khác để những người như Yao chi tiêu nhiều hơn là giải quyết những mối bất an của họ. Nhiều nhà kinh tế học đã kêu gọi Trung Quốc phát triển mạng lưới an sinh xã hội để tái cân bằng nền kinh tế.
Ở Bắc Kinh, nơi Yao sống, tiền trợ cấp dành cho những người thất nghiệp từ 3-24 tháng tối đa chỉ 2.233 Nhân dân tệ/tháng, chưa đủ để cô trả tiền thuê phòng rộng 12 mét vuông. Cha mẹ Yao sống ở nông thôn và sắp đến tuổi nghỉ hưu, với mức lương hưu khiêm tốn chỉ khoảng 1.500 Nhân dân tệ/tháng. Mỗi tháng, Yao dành 300 Nhân dân tệ để mua thuốc cho bố, bằng đúng số tiền học phí của lớp học múa. “Nếu bảo hiểm y tế chi trả nhiều chi phí hơn cho người già, tôi sẽ cảm thấy an toàn hơn”, cô nói.
Sự bấp bênh tài chính cũng khiến Yao ngại sinh con, cô cho biết. Dân số Trung Quốc đang lão hoá và giảm, nhất là ở nhóm 20-40 tuổi, độ tuổi tiêu dùng mạnh mẽ nhất.
Trong 1 tháng qua, nhiều bộ ban ngành của Trung Quốc đã công bố hàng chục biện pháp nhằm kích tiêu dùng, bao gồm trợ cấp mua ô tô và thiết bị gia dụng, kéo dài thời gian mở cửa của các nhà hàng, khuyến mãi du lịch và các hoạt động giải trí. Tuy nhiên, Yao không bị lay chuyển bởi những biện pháp này và cô thích sử dụng voucher mua hàng được một số chính quyền địa phương phát hành. Tuy nhiên, số lượng voucher là quá nhỏ để có thể tạo ra ảnh hưởng vĩ mô.
Tương tự, doanh nghiệp cũng không hứng thú với các biện pháp kích cầu nói trên.
“Chúng tôi chưa nhận thấy bất kỳ thứ gì có thể thực sự thúc đẩy nhu cầu”, Chủ tịch Hội đồng Thương mại châu Âu (EuroCham) ở Trung Quốc, bà Jens Eskelund, nhận định và nói thêm rằng “việc hỗ trợ nhu cầu quan trọng hơn hỗ trợ nguồn cung”.
Bà Wang Jiliu, 45 tuổi, là chủ một cơ sở kinh doanh chuyên phục vụ tiệc tại chỗ ở đảo Hải Nam, cho biết doanh thu đang giảm sút, một phần vì thu nhập của người dân không được cải thiện nhiều từ sau đại dịch. Điều này khiến cho thói quen chi tiêu của bà Wang bị ảnh hưởng.
“Tôi cũng nghĩ là mình phải kiểm soát ham muốn mua sắm. Trước đây, chúng tôi thường đi ăn nhà hàng và đi du lịch, nhưng bây giờ phải giảm bớt”, bà Wang nói.
Các đề xuất cải thiện nhu cầu mà các nhà kinh tế học đưa ra bao gồm các dịch vụ công tốt hơn và dễ tiếp cận hơn, các chế độ phúc lợi xã hội cao hơn, trao cho người lao động nhiều quyền mặc cả hơn với chủ sử dụng lao động, hoặc phân phối cổ phiếu của các công ty nhà nước cho người dân. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: ai sẽ là người chi trả cho những biện pháp này?
Nếu gánh nặng gia tăng đối với doanh nghiệp - chẳng hạn do đóng góp phúc lợi cao hơn - đó sẽ là một đòn giáng nữa đối với việc làm và tăng trưởng. Như vậy, nhiệm vụ này sẽ rơi vào khu vực công, nơi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ của chính quyền các địa phương. Các chính quyền địa phương Trung Quốc hiện đang cạn tiền mặt nhưng lại nắm nhiều tài sản. Năm 2021, tài sản ròng của các doanh nghiệp quốc doanh phi tài chính ở Trung Quốc đạt mức 76,6 nghìn tỷ USD.
Ông Michael Pettis, chuyên gia cấp cao của viện nghiên cứu Carnegie China, ước tính rằng nếu Bắc Kinh yêu cầu các chính quyền địa phương chuyển giao 1-1,5% GDP sang cho các hộ gia đình, Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay.
“Tài sản và sức mạnh của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp và giới tinh hoa tài chính thường phụ thuộc vào việc kiểm soát những tài sản đó”, ông Pettis nói. “Một trong những xung đột thực sự lớn ở đây có thể là giữa Bắc Kinh và chính quyền địa phương về việc làm thế nào để phân bổ nhiều chi phí khác nhau của việc điều chỉnh. Đó sẽ là một trong những vấn đề chính trị quan trọng của 2 năm tới đây”.
Nguồn: TBKTVN