TP.HCM dự kiến tăng thu 19.000 tỷ đồng từ đất đai
Thông tin được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại phiên họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, tám tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9, diễn ra vào chiều 30/8.
Ông Thắng cho biết, sở này đang cùng Sở Tài chính và Hội đồng thẩm định giá tập trung tháo gỡ, thẩm định các dự án còn vướng mắc để tạo nguồn thu từ đất đai.
Hiện nhiều dự án sử dụng đất đã được phê duyệt đơn giá, với tổng nguồn thu trong 8 tháng đầu năm là 5.300 tỷ đồng, tuy nhiên số thu thực tế chỉ đạt 2.300 tỷ đồng. Dự kiến, từ đây đến cuối năm, nguồn thu từ đất đai sẽ đạt gần 19.000 tỷ đồng.
“Con số này bằng và cao hơn so với năm 2022. Hiện các sở, ngành sẽ tập trung, đôn đốc để tăng thu đất đai, góp phần tăng thu ngân sách”, ông Thắng nói.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cùng Sở Tài chính và Hội đồng thẩm định giá tập trung tháo gỡ, thẩm định các dự án còn vướng mắc để tạo nguồn thu từ đất đai |
Liên quan đến số lượng các căn hộ chung cư chưa cấp sổ hồng, ông Thắng cho biết vừa qua Thành phố có trên 81.000 căn hộ nhà ở thương mại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện đã giải quyết 6.000 căn hộ. Theo ông Thắng, trong 81.000 trường hợp đang gặp vướng mắc thì có khoảng 40.000 trường hợp khả thi, còn lại đang vướng các nội dung không thể xử lý trong năm nay.
Liên quan vấn đề tăng nguồn thu có công tác giải quyết thủ tục hành chính, ông Thắng cho hay có hai nguồn thu lớn nhất là thuế thu nhập và thuế trước bạ. Trong đó, thu thuế thu nhập trong lĩnh vực bất động sản đang giảm sâu, trước năm 2022, bình quân mỗi tháng Thành phố giải quyết 40.000 - 45.000 thủ tục thì hiện nay chỉ còn 18.000 thủ tục, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
“Vừa qua, Sở đã chỉ đạo các bộ phận, dù nguồn thu giảm nhưng thủ tục làm sao phải đảm bảo đúng thời hạn”, ông Thắng nhấn mạnh và nói thêm TP. Thủ Đức mới đây đã nâng tỉ lệ đúng hạn trong thực hiện thủ tục này lên 96%, trong khi trước đó chỉ đạt 12%.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công các dự án bồi thường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết Thành phố có 153 dự án với số vốn được bố trí trên 27.000 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, Thành phố chỉ giải ngân trên 6.300 tỷ đồng, đạt trên 35%. Hiện tỷ lệ giải ngân cao nhất vẫn thuộc về dự án đường Vành đai 3 và đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), vẫn còn 25 dự án có số vốn giải ngân rất thấp.
“Như vậy việc phải đạt tỷ lệ giải ngân 95% vào cuối năm là bài toán mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc”, ông Thắng nói và thông tin vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp đi từng địa phương, cùng chủ tịch địa phương tháo gỡ ngay từ góc độ ở phường vì tất cả hồ sơ lập phương án bồi thường đều được địa phương thực hiện. Đây là vấn đề mà Thành phố cần tập trung đến cuối năm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, công tác giải ngân đầu tư công vẫn là vấn đề của địa phương. Tính đến ngày 25/8, thành phố mới giải ngân được hơn 19.000 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch vốn được giao.
“Lẽ ra cuối tháng 9, chúng ta cần giải ngân 55% và cuối tháng 6 đạt 35%. Đến nay, thành phố chưa đạt mục tiêu của tháng 6. Nhiệm vụ của các tháng cuối năm còn rất nặng nề để đạt được mục tiêu giải ngân 95% tổng vốn được giao theo kế hoạch”, ông Mãi bày tỏ.
Theo ông Mãi, công tác giải ngân đầu tư công thuộc trách nhiệm của 3 đầu mối là địa phương, các sở, ngành và Văn phòng UBND thành phố. Hiện nay, từ khi các đơn vị gửi hồ sơ đến khi có được giá để tính bồi thường mất khoảng 1 tháng.
Do đó, ông đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tài chính cần sát công việc hơn nữa để rút ngắn thời gian này xuống còn 1 tuần. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần đeo bám sở, ngành, quận, huyện để gỡ rối từng việc, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án.
Bước đầu cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tháng 8 là tháng đầu tiên thành phố triển khai Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Các sở, ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tham mưu thành phố trình Chính phủ ban hành 2 nghị định triển khai Nghị quyết 98 để kịp thời triển khai thực hiện.
"Nếu làm tròn, Nghị quyết 98 đến nay đã "đầy tháng". Thời gian một tháng không nhiều nhưng TPHCM đã làm được nhiều việc, có những phần việc làm được do chúng ta chủ động từ trước", ông Mãi nói.
Ông Mãi cho biết, tại kỳ họp của HĐND Thành phố diễn ra tháng 7, các bản nghị quyết đã được ban hành để cụ thể hóa 3 nội dung trong Nghị quyết 98. “Nội dung đầu tiên được triển khai là thành phố bố trí vốn đầu tư công cho chương trình giảm nghèo bền vững. Tôi cho rằng điều này rất ý nghĩa, mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho người dân Thành phố, đặc biệt là người nghèo được thụ hưởng”, ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Ngoài ra, HĐND thành phố cũng thông qua nghị quyết bố trí ngân sách 2.900 tỷ để thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Nội dung tiếp theo là Thành phố tăng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 lên gần 100.000 tỷ đồng.
“Sau khi có Nghị quyết 98, thành phố đã thành lập các ban chỉ đạo, hội đồng tư vấn, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch để cụ thể hóa trong thời gian sớm nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”, ông Mãi nhấn mạnh.
Đối với TP. Thủ Đức, đơn vị hành chính này vừa thành lập 3 trung tâm trực thuộc và Ban Đô thị trực thuộc. Tại kỳ họp sắp tới, UBND Thành phố sẽ có nghị quyết trình HĐND thành phố về tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của TP. Thủ Đức. Ông Mãi cho rằng, đây là các điều kiện rất quan trọng để thành phố trực thuộc Thành phố có cơ chế hoạt động.
Nguồn: Báo Đầu tư