Quay lại

TP.HCM tiếp tục chính sách kích cầu tiêu dùng

Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023; trong đó ghi nhận một số điểm tích cực trong tăng trưởng kinh tế giữa quý 3/2023.

CÔNG NGHIỆP TĂNG TRƯỞNG KHẢ QUAN
Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tính tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 1,0% so với tháng trước và giảm 9,7% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,3% so với tháng trước nhưng giảm 0,3% so với cùng kỳ.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, IIP trên địa bàn tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 0,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,9%.

Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 20/30 ngành có IIP của 8 tháng năm 2023 tăng so cùng kỳ năm 2022. Một số ngành có mức tăng cao, như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,0%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 25,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 22,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 16,5%.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, IIP trong 8 tháng tăng 6,0% so cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 18,2%; ngành cơ khí tăng 7,6%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,1%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 5,8%...

Trong tỷ lệ tăng chung của toàn ngành công nghiệp, Thành phố ghi nhận một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 8 tháng năm 2023 tăng cao so với kỳ năm 2022. Cụ thể như bao bì đóng gói bằng plastic tăng 34,7%; phân khoáng hoặc phân hóa học tăng 26,3%; sữa hoặc kem đặc có hoặc không có đường tăng 17,0%.

Về chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2023, số liệu của Cục Thống kê ước tính tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 2,6% so cùng kỳ. Tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 thì chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 1,3% so với cùng kỳ; trong đó có 10/23 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng, đặc biệt có một số ngành tăng cao như sản phẩm từ cao su và plastic tăng 68,5%, chế biến gỗ và sản phẩm từ tre gỗ tăng 67,3%...

Đây là những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp Thành phố, nhất là giai đoạn “chạy ước rút” quý 3, đáp ứng nhu cầu tăng mua sắm vào dịp cuối năm của người tiêu dùng.

THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ TIẾP TỤC KÍCH CẦU TIÊU DÙNG
Theo nhận định của Cục Thống kê TP.HCM, tháng 8/2023 rơi vào tháng 7 âm lịch là thời gian người dân có tâm lý e ngại mua sắm, khởi công xây dựng nhà cửa, công trình. Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, mua sắm liên tục diễn ra nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch và kích thích sức mua của người dân.

Măc dù, tháng 8/2023 rơi vào tháng 7 âm lịch, người dân có tâm lý e ngại mua sắm, khởi công, Thành phố vẫn tiếp tục các chương trình kích cầu tiêu dùng...

Măc dù, tháng 8/2023 rơi vào tháng 7 âm lịch, người dân có tâm lý e ngại mua sắm, khởi công, Thành phố vẫn tiếp tục các chương trình kích cầu tiêu dùng...

Thống kê trong tháng 8/2023 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 102.507 tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 10,1% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 764.461 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 60.624 tỷ đồng, chiếm 59,1% trong tổng doanh thu chung, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 8/2023 ước đạt 9.989 tỷ đồng, chiếm 9,7% trong tổng doanh thu chung, tăng 2,9% so tháng trước và tăng 33,7% so cùng kỳ.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 452.694 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ; doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 70.425 tỷ đồng, tăng 33,7% so cùng kỳ; doanh thu lữ hành đạt 7.019 tỷ đồng, tăng 74,5% so cùng kỳ…

Cục Thống kê Thành phố cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023; cụ thể CPI tăng 0,7 trong tháng 8, tăng gần gấp 4 lần so với tháng 7/2023 (tháng 7/2023 CPI tăng 0,15%). Có 3/11 nhóm hàng hóa giảm là dịch vụ bưu chính viễn thông (-0,40%), văn hoá, giải trí và du lịch (-0,04%); thuốc và dịch vụ y tế (-0,02%); có 8/11 các nhóm còn lại tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông (+4,15%).

Nếu xét tương quan so với tháng 7/2023, ghi nhận có một số biến thiên, hoán đổi chỉ số CPI giữa các nhóm hàng hóa. Cụ thể, tháng 7 ghi nhận có 3/11 nhóm hàng hóa giảm, gồm: dịch vụ bưu chính viễn thông giảm (-0,28%); nhà ở và vật liệu xây dựng giảm (-0,18%); giáo dục giảm (-0,01%). Nhóm thuốc và dịch vụ y tế không biến động.

Tính bình quân 8 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,45% so cùng kỳ (bình quân 8 tháng đầu năm 2022 tăng 2,10%). Trừ nhóm giao thông giảm 4,62% và bưu chính viễn thông giảm 1,09% 9 nhóm còn lại đều tăng, trong đó các nhóm tăng cao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,99%, đồ uống và thuốc lá tăng 4,35%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,56%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,27%, giáo dục tăng 15,25%.

Đặc biệt, theo nhận định của Cục Thống kê, do trong tháng 8/2023 có 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu (các đợt 01/8/2023, ngày 11/8/2023 và ngày 21/8/2023) khiến nhóm nhiên liệu tăng 8,6% so với tháng trước. Dù vậy, so với cùng kỳ năm 2022, bình quân 8 tháng đầu năm 2023 giá xăng, dầu giảm 17,72% đã tác động làm CPI chung giảm 0,60 điểm phần trăm.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM 8 tháng đầu năm 2023 giảm 6,8% so cùng kỳ, trong đó thu nội địa giảm 2,6%, thu từ dầu thô giảm 20,0%, thu từ xuất nhập khẩu giảm 13,0%. Tổng chi ngân sách địa phương ước tăng 43,2% so với cùng kỳ, trong đó chi thường xuyên tăng 16,2%. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 297.993 tỷ đồng, đạt 63,4% dự toán và giảm 6,8% so với cùng kỳ.

Nguồn: TBKTVN