Tạo lập hình mẫu trong hợp tác đầu tư bền vững giữa OECD và Đông Nam Á
Chiều ngày 26/10/2023, trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam đã phối hợp với Australia và OECD tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á năm 2023 với chủ đề “Đầu tư bền vững và chất lượng: Động lực mới cho quan hệ đối tác OECD – Đông Nam Á” tại Hà Nội.
Diễn đàn là hoạt động quan trọng nhất của Chương trình SEARP trong năm 2023 và tiếp nối thành công của Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á năm 2022.
Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormamn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Nghị sỹ Quốc hội Australia Alicia Payne và hơn 200 đại biểu là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Đại sứ và đại diện từ 48 thành viên OECD và Đông Nam Á cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế, chuyên gia, học giả và cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đại diện OECD và lãnh đạo các nước chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Việt Dũng.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng kinh tế thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi và biến động mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến hợp tác đầu tư giữa các quốc gia. Khu vực Đông Nam Á, dù sở hữu những thuận lợi nổi trội trong thu hút nguồn vốn FDI và tiếp tục là điểm sáng trên bản đồ FDI toàn cầu, vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là thu hút đầu tư chất lượng và bền vững.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh bối cảnh đầu tư biến động hiện nay càng cho thấy yêu cầu về nâng cao mối liên kết, quan hệ đối tác hiệu quả, thực chất giữa khu vực với khu vực, giữa quốc gia với quốc gia, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp…
Chia sẻ những thành tựu phát triển kinh tế xã hội có ý nghĩa của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới, Phó Thủ tướng tái khẳng định đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam cam kết sát cánh, đồng hành cùng các nhà đầu tư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi.
Phó Thủ tướng đã đưa ra năm định hướng hợp tác trọng tâm để thúc đẩy gắn kết hơn nữa hợp tác đầu tư giữa hai khu vực.
Một là, tiếp tục tăng cường tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm với các nước Đông Nam Á trong xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về đầu tư bền vững.
Hai là, tạo động lực cho hợp tác đầu tư về phát triển bền vững trong các lĩnh vực mới nổi và trọng điểm như chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.
Ba là, hỗ trợ thiết lập các nền tảng cho đầu tư bền vững tại khu vực.
Bốn là, tạo lập các hình mẫu trong hợp tác đầu tư bền vững và chất lượng.
Năm là, không ngừng củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển là điều kiện tiên quyết.
Hội đồng tư vấn doanh nghiệp ASEAN (ASEAN BAC) và Hiệp hội doanh nghiệp OECD (BIAC) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tạo khuôn khổ cho tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới doanh nghiệp OECD - Đông Nam Á. Ảnh: Việt Dũng.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormamn, Nghị sĩ Quốc hội Australia Alicia Payne và các Trưởng đoàn đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP. Các đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn trong việc thúc đẩy hợp tác liên Chính phủ và liên khu vực trong thực hiện các mục tiêu phát triển chung, vừa phát huy thế mạnh của các nước OECD, vừa đáp ứng nhu cầu và quan tâm của các nước Đông Nam Á.
Các nước OECD tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của khu vực Đông Nam Á trong chính sách toàn cầu của OECD, cam kết hỗ trợ các nước khu vực thúc đẩy đầu tư chất lượng, bền vững và bao trùm, hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, vì mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Khép lại hai phiên thảo luận, phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh ba thông điệp quan trọng.
Thứ nhất, thúc đẩy đầu tư chất lượng và bền vững cần thực sự trở thành động lực mới cho quan hệ đối tác OECD - Đông Nam Á.
Thứ hai, ưu tiên các lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, tổng hòa trong một hệ sinh thái từ hỗ trợ vốn, phối hợp, tư vấn chính sách, chuyển giao công nghệ và đào tạo lao động.
Thứ ba, nâng tầm hơn nữa hợp tác giữa hai khu vực, gắn triển khai Khuôn khổ chiến lược của OECD về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á năm 2023 đã kết thúc thành công tốt đẹp, thực sự trở thành điểm hẹn thường niên cho các ý tưởng, sáng kiến kết nối giữa hai khu vực, là vườn ươm cho các dự án hợp tác cụ thể, mở ra những cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực đầu tư chất lượng và bền vững, cho Chương trình SEARP nói riêng và quan hệ đối tác OECD – Đông Nam Á nói chung, đóng góp thực chất vào quá trình phát triển kinh tế tại Đông Nam Á.
Nguồn: TBKTVN