Tập trung đào tạo 50 nghìn -100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Quốc hội đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cho thấy, tăng trưởng GDP năm 2023 ước đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra, nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp phát triển ổn định, là bệ đỡ trong khó khăn; dịch vụ, du lịch phát triển khá sôi động, phục hồi nhanh sau dịch Covid-19. Năm 2023, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại trong những tháng đầu năm nhưng đã chuyển biến tích cực hơn.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương và triển khai phương án xử lý từng bước dứt điểm đối với các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả, các ngân hàng thương mại yếu kém, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Đồng thời tập trung xử lý các vấn đề bộc lộ, mới phát sinh của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Trong đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; khắc phục tình trạng thiếu điện, cắt điện cục bộ, thiếu vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án đường cao tốc; chấn chỉnh hoạt động đăng kiểm; rà soát, hoàn thiện quy định về phòng cháy, chữa cháy; khắc phục tình trạng thiếu vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng…
Bội chi ngân sách Nhà nước 03 năm 2021-2023 ước ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội), trong phạm vi mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 03 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo , góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Đến hết năm 2023, ước dư nợ công là 39-40% GDP, dư nợ Chính phủ là 36-37% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37-38% GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội.
Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Tổ chức Moody’s nâng hạng tín nhiệm trong năm 2022...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) rất lớn.
Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%; nợ xấu có xu hướng tăng; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.
Về nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, cần kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).
Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông như hệ thống đường cao tốc theo tuyến Bắc - Nam và Đông - Tây, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao (như chip, bán dẫn); tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030; nghiên cứu, xây dựng cơ chế để phát huy vai trò chủ đạo, động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Nguồn: TBKTVN