Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nếu không có các biện pháp ứng phó và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.
Trước nguy cơ này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chương trình hành động quốc gia, cấp ngành, địa phương cũng từng bước được xây dựng và triển khai thực hiện. Đặc biệt, sau cam kết của Việt Nam tại COP26 các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động.
Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu.
CƠ HỘI NHIỀU HƠN THÁCH THỨC
Hiện nay, nhiều nền kinh tế đã đặt ra những tiêu chuẩn liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu. Xu hướng này sẽ tạo nên luật chơi mới cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại tọa đàm “Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu” ngày 25/10, ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng, các cam kết quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu trước đây chỉ đơn thuần là vấn đề biến đổi khí hậu, còn bây giờ liên quan đến vấn đề về phát triển kinh tế, đặc biệt Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu rất lớn.
Chính vì thế, các cam kết quốc tế như cam kết về giảm phát thải dòng bằng 0, cam kết về giảm phát thải metan toàn cầu, cam kết chấm dứt tình trạng phá rừng đặc biệt là rừng nhiệt đới, cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM của Liên minh châu Âu… là những cam kết sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Vì thế, doanh nghiệp sản xuất muốn tham gia xuất khẩu, phải chuyển sản xuất theo hướng ít phát thải hay phát thải carbon thấp để đáp ứng được những yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Song ông Linh nhấn mạnh, các doanh nghiệp quyết tâm, mạnh dạn có các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động giảm phát thải hướng tới Net Zero sẽ nhận được rất nhiều cơ hội. Đó là, giúp các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, sản xuất ít phát thải, nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình.
Theo ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương), xu thế tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ carbon thấp là một xu thế không thể đảo ngược, nên các doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là một cơ hội lớn. Cơ hội mang lại cho doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.
Giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, đi đúng theo xu thế chung của toàn cầu, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, đặc biệt là những thị trường lớn như EU, Mỹ… Những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường và “đường đi” rất thuận lợi…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội chuyển đổi xanh mang lại, nhiều doanh nghiệp lo lắng vấn đề về vốn đầu tư, công nghệ… là những thách thức với họ. Khi muốn giảm được dấu vết carbon, doanh nghiệp phải đầu tư giải pháp về công nghệ, chuyển đổi năng lượng có nguồn gốc từ hóa thạch sang năng lượng sạch nên chi phí đầu tư rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đồng tình, chuyển dịch năng lượng đòi hỏi các đơn vị thành viên sẽ phải đầu tư, nâng cấp công nghệ. Một vài doanh nghiệp sẽ phải đầu tư mới hoàn toàn. Việc này rất khó trong giai đoạn hiện nay, khó về vốn đầu tư, khó về công nghệ, khó cả về con người vận hành công nghệ.
CẦN TRỢ LỰC CHO DOANH NGHIỆP
Để giải quyết những khó khăn trên các ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ cần xây dựng, ban hành thêm khung pháp lý, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp cần thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh.
Ông Nguyễn Văn Đạt kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời ban hành những chính sách khuyến khích đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển dịch năng lượng.
Theo ông Nguyễn Sỹ Linh, trong giai đoạn này Chính phủ, Nhà nước cần có những trợ lực cho doanh nghiệp. Trước hết, thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin, đặc biệt là các cơ chế, chính sách mang tính chất toàn cầu, điều chỉnh và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giai đoạn đầu khi thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm kê phát thải khí nhà kính. Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính để họ biết quá trình sản xuất kinh doanh của mình ở giai đoạn nào, khâu nào là phát thải nhiều để từ đấy có những giải pháp giảm phát thải.
Bên cạnh đó, cũng cần có những cơ chế và khuyến khích, đặc biệt khuyến khích áp dụng các mô hình phát triển kinh tế carbon thấp, những mô hình kinh doanh ít phát thải.
Đồng thời đưa ra những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng phát thải thấp. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải cũng như thích ứng với tác động biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, ông Linh cho rằng, trong thời điểm hiện nay để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần có những ưu đãi về thuế đối với những hàng hóa hoặc dịch vụ được sản xuất theo phương thức, hình thức carbon thấp hoặc ít phát thải.
Nguồn: TBKTVN