Quay lại

Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm sâu hơn vào năm 2025, dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhận được một cú huých tạm thời từ các biện pháp kích cầu gần đây - Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo.

Trong một báo cáo cập nhật công bố ngày 8/10, WB cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,3% trong năm tới, một sự giảm tốc từ mức dự báo tăng 4,8% cho năm 2024.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng dự báo mà WB dành cho kinh tế Trung Quốc năm nay trong lần cập nhật này đã tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4. Cơ sở cho việc nâng triển vọng này là Bắc Kinh gần đây tung ra một loạt biện pháp kích cầu, giúp cải thiện niềm tin cho nhà tư và đưa thị trường chứng khoán nước này hồi phục mạnh.

Năm 2023, kinh tế Trung Quố tăng trưởng 5,2%. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” cho năm nay. Trong quý 2, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,7%, không đạt kỳ vọng và thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,3% của quý 1. Gói kích cầu mà Bắc Kinh mới đưa ra được cho là một nỗ lực nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Dù vậy, gói kích cầu chủ yếu bằng các biện pháp chính sách tiền tệ này dường như chưa đủ mạnh để WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2025. Thay vào đó, định chế có trụ sở ở Washington giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 4,3% đưa ra hồi tháng 4.

Trao đổi với hãng tin CNBC, nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB, ông Aaditya Mattoo, nói rằng chưa thể xác định được “phương diện tài khóa” của các biện pháp kích cầu, nên công tác dự báo về kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn.

“Vấn đề đặt ra là liệu gói kích cầu có thực sự bù đắp được mối lo của người tiêu dùng về tiền lương giảm, mối lo về thu nhập từ bất động sản sa sút, và mối lo về bệnh tật, già cả, thất nghiệp…” ông Motto phát biểu.

Theo WB, tiêu dùng ở Trung Quốc yếu ớt là vì những mối lo trên, bên cạnh những thách thức như khủng hoảng bất động sản kéo dài, dân số lão hóa và căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNBC, ông James Sullivan - trưởng nghiên cứu thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng JPMorgan Chase - lưu ý rằng nỗ lực kích cầu của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào phía nguồn cung và đầu tư, thay vì xử lý tình trạng ảm đạm của nhu cầu tiêu dùng.

“Câu hỏi ‘triệu đô’ ở Trung Quốc bây giờ là gói kích thích kinh tế chỉ chảy về phía nguồn cung của phương trình, hay sẽ chảy về phía nhu cầu của người tiêu dùng? Đó là điều mà chúng tôi không kỳ vọng vào lúc này”, ông Sullivan nói.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Goldman Sachs, ông Hui Shan, nói với CNBC rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới sẽ phụ thuộc quy mô của bất kỳ gói kích cầu tiếp theo nào và kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng tới.

Goldman Sachs hiện vẫn giữ nguyên dự báo GDP thực của Trung Quốc tăng trưởng ở mức 4,3% trong năm 2025.

Ngày 8/10, Chủ tịch Ủy ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cam kết sẽ có thêm hành động để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm cho phép cá địa phương đẩy mạnh phát hành trái phiếu đặc biệt để huy động vốn. Tuy nhiên, vị quan chức này không công bố một biện pháp kích cầu cụ thể nào mới.

WB từ lâu kêu gọi Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua những hành động chính sách quyết đoán như tăng cường cạnh tranh trong nền kinh tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải cách giáo dục. Theo ông Mattoo, kích cầu không phải là một sự thay thế cho những cải cách cấu trúc sâu sắc mà Trung Quốc cần phải tiến hành để hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn. Nhưng dù sao, việc Trung Quốc kích cầu vẫn là một bước đi nhận được sự hoan nghênh của các nền kinh tế khác trong khu vực, vốn có sự phụ thuộc cao vào Trung Quốc để tăng trưởng - ông Mattoo nhấn mạnh.

Theo WB, nền kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 4,7% trong năm nay và 4,9% trong năm 2025, nhờ xuất khẩu hồi phục và điều kiện tài chính được cải thiện. Tuy nhiên, báo cáo của WB cũng cho rằng khu vực này cần có thêm các động lực tăng trưởng trong nước trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

“Trong suốt 3 thập kỷ, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang mang lại lợi ích cho các nền kinh tế láng giềng, nhưng động lực đó giờ đang giảm dần”, báo cáo viết.

Nguồn: TBKTVN