Quay lại

Hàn Quốc ráo riết hút lao động nước ngoài

Theo công ty nghiên cứu và tư vấn Mitsubishi UFJ, tính tới năm 2022, mức lương bình quân của lao động người tay nghề thấp tại Hàn Quốc đã vượt mức lương tại Nhật Bản và Đài Loan.

Theo tờ báo Nikkei Asia, Hàn Quốc cũng đang mạnh tay nới lỏng chính sách để thu hút sinh viên, doanh nhân và người có bằng cấp cao từ nước ngoài, từ đó tăng lực lượng lao động quốc tế có trình độ.

Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng gấp hơn ba lần hạn mức hàng năm cho Hệ thống cấp phép vấn đề việc làm (EPS) từ khoảng 50.000 người năm 2021 lên 165.000 người năm 2024. Là chương trình dành cho lao động nước ngoài tay nghề thấp, EPS cũng được mở rộng phạm vi để thu hút lao động làm việc cho các nhà hàng, khách sạn và cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Từ cuối tháng 10, chương trình này cũng sẽ bắt đầu đón lao động nước ngoài tới làm việc trong ngành khai thác gỗ và phòng chống cháy rừng. Theo một nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc, việc cấp thị thực cho tối đa 1.000 lao động trong ngành lâm nghiệp mỗi năm sẽ giúp giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu hụt lao động tại các khu vực nông thôn và miền núi nước này.

Vào tháng 8, Hàn Quốc khai trương một trung tâm đào tạo cho ngành công nghiệp đóng tàu trên đảo Java của Indonesia. Thực tập sinh tại đây sẽ trải qua 340 giờ đào tạo kỹ thuật hàn, 40 giờ đào tạo về an toàn và 100 giờ học tiếng Hàn để sẵn sàng làm việc ngay cho các công ty đóng tàu Hàn Quốc.

Đây là một trong nhiều cơ sở đào tạo thực tập sinh nước ngoài mà Seoul dự kiến sẽ được xây dựng trên khắp thế giới trong bối cảnh ngành đóng tàu nước này đang thất thoát nhiều lao động cho các ngành như bán dẫn và ô tô. Một ước tính gần đây chỉ ra rằng ngành đóng tàu Hàn Quốc thiếu khoảng 14.000 lao động trong năm 2023.

Phản ứng trước nhu cầu của ngành này, năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc đã nới lỏng hạn chế thị thực làm việc đối với thợ hàn, thợ sơn và lao động khác trong ngành đóng tàu.

Trong khi đó, vào tháng trước, chính quyền thành phố Seoul đã cấp phép cho 100 giúp việc gia đình người Philippines đủ điều kiện là “quản gia”. Những người này làm công việc hỗ trợ cho các gia đình đơn thân hoặc gia đình có cả bố và mẹ đều đi làm, nhằm giảm bớt áp lực chăm sóc con cái cho các hộ gia đình trẻ. Chương trình giúp việc này được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc giảm xuống dưới mức thấp kỷ lục, như một biện pháp để khuyến khích sinh đẻ.

Năm 2023 là năm đầu tiên trong 3 năm dân số Hàn Quốc ghi nhận sự tăng trưởng lên 51,77 triệu người, chủ yếu nhờ sự gia tăng 10,4% của lao động nước ngoài (tăng lên 1,93 triệu người).

Tuy nhiên, lực lượng lao động nước ngoài ồ ạt tới Hàn Quốc cũng gây ra nhiều vấn đề. Hồi tháng 6, hỏa hoạn tại một nhà máy pin ở thành phố Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc đã khiến khoảng 20 lao động nước ngoài thiệt mạng. Cảnh sát cho rằng một phần nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người là thiếu hướng dẫn về sơ tán và biện pháp an toàn cháy nổ.

Tỷ lệ người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cũng tăng từ 11,6% năm 2014 lên 15,5% vào tháng 8/2024. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này vẫn ở mức cao bất chấp tình trạng thiếu lao động, đặc biệt giới trẻ Hàn Quốc đang trong môi trường việc làm bấp bênh.

"Bên cạnh ưu tiên việc làm cho công dân Hàn Quốc, chúng ta cũng nên chủ động thu hút lao động nước ngoài cho những công việc mà người bản địa thường không muốn làm”, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo nhấn mạnh.

Theo dự báo của cơ quan thống kê Hàn Quốc, người nước ngoài sẽ chiếm khoảng 5,7% dân số Hàn Quốc vào năm 2042, tăng từ tỷ lệ 3,2% của năm 2022. Số lượng người có quốc tịch nước ngoài hoặc là con của người quốc tịch nước ngoài tại Hàn Quốc được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 4,04 triệu người vào năm 2042.

NGUỒN: TBKTVN