Tiền lương thực tế ở Nhật lại giảm, BOJ khó nâng lãi suất
Tiền lương sau khi trừ đi lạm phát ở Nhật Bản đã giảm trong tháng 8 sau 2 tháng tăng liên tiếp nhờ kỳ thưởng mùa hè, và chi tiêu của các hộ gia đình ở nước này cũng đi xuống. Những số liệu này làm suy yếu khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sớm tăng thêm lãi suất.
Theo số liệu được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố sáng 8/10, tiền lương thực tế ở nền kinh tế lớn thứ tư thế giới giảm 0,6% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu sau khi đã điều chỉnh cho thấy tiền lương thực tế ở Nhật trong tháng 7 tăng 0,3% so với cùng kỳ 2023.
Thống kê cũng cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình ở Nhật trong tháng 8 giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này có thể làm dấy lên mối nghi ngờ về sức khỏe của tiêu dùng tư nhân - bộ phận chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật.
Tuy nhiên, mức giảm này ít hơn mức dự báo giảm 2,6% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Nếu so với tháng trước, tiêu dùng tăng 2%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây.
Sau hơn 2 năm giảm liên tục, tiền lương thực tế ở Nhật tăng trở lại trong tháng 6, khi các công ty tăng tiền thưởng mùa hè cho người lao động. Tuy nhiên, nhà chức trách đã cảnh báo rằng đóng góp của tiền thưởng vào tăng trưởng tiền lương sẽ suy giảm từ tháng 8, và con số của tháng 8 đã cho thấy cảnh báo này là đúng.
Trong tháng 8, tiền thưởng mà người lao động ở Nhật nhận được tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 6,6% của tháng 7 và 7,8% của tháng 6.
Tăng trưởng tiền lương bền vững là một tiền đề để BOJ tăng thêm lãi suất sau đợt tăng đầu tiên trong 17 năm vào tháng 3 năm nay và một đợt tăng tiếp theo vào tháng 7. Trong một báo cáo hàng quý công bố ngày 7/10, BOJ nhận định giá cả và tiền lương đang tăng trên toàn quốc, nhưng cũng ghi nhận mối lo của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ về áp lực của tiền lương tăng đối với lợi nhuận.
Tiền lương danh nghĩa bình quân của người lao động Nhật trong tháng 8 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 296.588 yên, tương đương hơn 1.999 USD, sau khi tăng 3,4% trong tháng 7. Lương cơ bản tăng 3%, trong khi lương ngoài giờ - một thước đo về sức khỏe của doanh nghiệp - tăng 2,6%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật - thước đo lạm phát dùng để tính tiền lương thực tế - tăng 3,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2023.
Không chỉ tiền lương thực tế giảm, các phát biểu gần đây của giới chức Nhật cũng khiến thị trường tài chính không còn đặt hy vọng vào việc BOJ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Trước đó, thị trường đã kỳ vọng BOJ sẽ có một đợt nâng lãi suất vào tháng 10 hoặc tháng 12.
Tuần trước, tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khiến thị trường sửng sốt khi tuyên bố nền kinh tế nước này hiện chưa sẵn sàng cho một đợt tăng lãi suất mới.
Biến động kỳ vọng lãi suất này đã gây áp lực giảm lên đồng yên, khiến đồng tiền của Nhật Bản giảm giá quá mức 149 yên đổi 1 USD trong phiên giao dịch ngày 7/10, mức thấp nhất kể từ ngày 16/8. Sáng nay (8/10), đồng yên hồi phục nhẹ về mức khoảng 147,8 yên đổi 1 USD.
Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Katsunobo Kato ngày 7/10 tuyên bố sẽ theo dõi xem biến động tỷ giá có thể tác động như thế nào tới nền kinh tế và sẽ hành động nếu cần thiết. “Chính phủ sẽ cân nhắc nên hành động như thế nào trong khi theo dõi các ảnh hưởng”, ông Kato nói với các nhà báo.
Ngoài khả năng BOJ không tăng lãi suất thêm trong năm nay, đồng yên còn đang đương đầu áp lực giảm giá từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không hạ lãi suất với bước giảm lớn 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11.
Nếu đồng yên giảm giá mạnh trở lại, rất có thể Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ phải can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Lần gần đây nhất nhà chức trách có động thái như vậy là vào cuối tháng 7, khi đồng yên giảm về mức gần 162 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 38 năm.
NGUỒN: TBKTVN