Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Thị phần vẫn chật hẹp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, nếu như kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ sụt giảm 32,9%, sang Nhật Bản giảm 5,3%, sang EU giảm 16,6%, thì kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc lại tăng 7,7% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong số 53 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022, thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Trung Quốc trên 260 tỷ USD/năm, thì Việt Nam mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đem về 5,2 tỷ USD, tăng 7,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 4 mặt hàng tăng mạnh về giá trị: rau quả tăng 80,2% (đạt 1,45 tỷ USD); gạo tăng 79,2% (đạt 440 triệu USD); nhân điều tăng trên 50,9% (đạt 239 triệu USD); chè tăng 58,7% (đạt 5 triệu USD). Những mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc suy giảm kim ngạch xuất khẩu: gỗ và sản phẩm gỗ giảm 20,2%; lâm sản ngoài gỗ giảm 40,3%; sắn và sản phẩm sắn giảm 18,8%; cao su giảm 12,6%; thủy sản giảm 25,7%.
CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG CHO NÔNG SẢN
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19 đã giải phóng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, nước này cũng đã triển khai nhiều chính sách kinh tế mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023.
“Từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ. Một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn sẽ duy trì tăng trưởng cao. Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến dự báo.
Nhìn vào triển vọng mở rộng thị trường Trung Quốc đối với nông, lâm, thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng trái cây là mặt hàng còn nhiều dư địa nhất cho tăng trưởng xuất khẩu. Với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước và đã vượt cả năm 2022 (3,16 tỷ USD), ngành hàng rau quả Việt Nam đang hứa hẹn sẽ xác lập kỷ lục 5 tỷ USD trong năm 2023.
Nguyên nhân xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh là do nhu cầu mua hàng của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ, đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt tới hơn 2,1 tỷ USD trong 7 tháng. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất cho nhóm hàng rau quả. Các nghị định thư về trái cây đã ký với Trung Quốc trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên, để thực hiện sách lược giành thị phần từ các đối thủ cạnh tranh, đưa xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc tăng trưởng nhanh trong những năm tới, việc kiểm soát chất lượng trái cây, tuân thủ các quy định của phía Trung Quốc về mã số vùng trồng và mã số doanh nghiệp xuất khẩu được coi là vấn đề trọng tâm.
MỞ SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI TRUNG QUỐC
Ngày 21/7/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đã ký Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường kiểm soát vi sinh vật, đối tượng kiểm dịch thực vật trên các lô hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nguyên nhân là do thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã gửi một số thông báo các lô hàng trái cây như: chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Do đó, sẽ tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc và tái phạm nhiều lần.
Tại Văn bản nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ, việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các cơ sở đóng gói phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu; có cơ chế giám sát quy trình đóng gói tại các cơ sở đóng gói.
Nhằm mở rộng thị phần cho nông sản Việt Nam tại Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hợp tác với Tập đoàn Sunwah của Trung Quốc xây dựng một sàn giao dịch điện tử cho nông sản Việt Nam tại Trung Quốc.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng thương mại điện tử là cách tốt nhất để các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán nông, lâm, thủy sản trực tiếp cho người tiêu dùng tại Trung Quốc, khi 2/3 người dân Trung Quốc đang có xu hướng mua hàng online...
Nguồn: TBKTVN