Vì sao xuất siêu 7 tháng đạt hơn 11 tỷ USD?
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 7 tiếp tục xuất siêu khoảng 2,15 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 7 tháng năm 2023 là 15,23 tỷ USD, gấp hơn 11 lần so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước (7 tháng năm 2022 xuất siêu 1,34 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2023 ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 64,1 tỷ USD, giảm 16,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 115,4 tỷ USD, giảm 17,7%.
Nguyên nhân nhập khẩu giảm là do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu (chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) trong 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 158,26 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày… đều giảm ở mức hai con số như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 14,6%; vải các loại giảm 18,6%; thép các loại giảm 30,6%; cao su các loại giảm 39,3%; bông các loại giảm 21%; hóa chất giảm 25,4%; phân bón giảm 24,5%... Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 4 tỷ USD, giảm 66,3%.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,94 tỷ USD. Những mặt hàng giảm mạnh gồm: Phế liệu sắt thép (giảm 25,9%), đá quý, kim loại quý và sản phẩm (giảm 28%), linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ (giảm 28%), hàng điện gia dụng và linh kiện (giảm 19%)... Tuy nhiên, kim ngạch tăng ở một số ít mặt hàng gồm rau quả (tăng 2,6%), ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ (tăng 18,5%).
Nguồn: VOV