Xuất khẩu đã thấy tín hiệu phục hồi chặng cuối năm
Nhu cầu tiêu dùng yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các thị trường chủ lực là Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc… đều giảm mua hàng từ Việt Nam với mức giảm từ 3,5 đến 21,8% so với cùng kỳ. Song đà suy giảm đã chậm lại và hết 7 tháng năm 2023, đã có thị trường xuất khẩu tăng trưởng dương.
Đơn hàng từ Trung Quốc bật tăng mạnh, nhất là với nông sản và một số nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo khiến xuất khẩu sang thị trường này chuyển từ tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm sang tăng trưởng dương sau 7 tháng. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tỷ dân trở lại mức tăng 4,9% sau 7 tháng, đạt 31,57 tỷ USD.
Trong báo cáo được công bố cuối tuần qua, Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu hàng hóa đón nhận tín hiệu tích cực hơn, khi 2 tháng gần nhất đều tăng so với tháng trước đó. Riêng tháng 7/2023, xuất khẩu tăng 0,8% so với tháng 6, đạt 29,68 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai kể từ tháng 11/2022 đến nay.
Động lực chính cho sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu trong tháng 7 đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến. Xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước; dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4,6%; giày dép 1,85 tỷ USD, tăng 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 5,5%. Nhóm hàng hóa nông sản, đặc biệt là 2 mặt hàng lúa gạo, rau quả đã lập kỷ lục xuất khẩu với mức tăng 68,1% và 29,6%, tương ứng 3,23 tỷ USD và 2,58 tỷ USD.
Tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo cuối tuần qua tại Cần Thơ, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, xuất khẩu gạo 7 tháng rất tích cực do thuận lợi về thị trường, khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, Nga và UAE cũng ra lệnh cấm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng từng ngày.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam duy trì khoảng 450 USD/tấn trong quý I đã tăng lên mức 535 USD/tấn vào tháng 5 và vọt lên 590 USD/tấn tại thời điểm ngày 1/8, đánh dấu mức giá cao nhất trong 11 năm qua. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước và tăng 180 USD/tấn so với cùng kỳ.
“Diễn biến thị trường thương mại gạo toàn cầu có lợi cho nước xuất khẩu như Việt Nam. Theo đó, từ số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến xuất khẩu gạo cả năm 2023 đạt trên 7,5 triệu tấn”, ông Đông nói.
Với ngành rau quả, việc Trung Quốc mở cửa cho nhiều loại nông sản từ cuối năm ngoái, trong đó có sầu riêng, đã đưa kim ngạch xuất khẩu rau qỉa 7 tháng bằng xấp xỉ cả năm ngoái, riêng sầu riêng đạt gần 1 tỷ USD. Với đơn hàng xuất khẩu các loại trái cây giá trị cao khá tấp nập, dự kiến rau quả mang về kim ngạch 5 - 5,5 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới hết tháng 7/2023 đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm này được rút ngắn so với mức giảm 28% của vài tháng trước. Với dấu hiệu hồi phục của thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc… và nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu ổn định, dự báo hết năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về trên 9 tỷ USD.
Bộ Công thương khẳng định, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc dù giảm nhập hàng hóa từ Việt Nam, nhưng vẫn là điểm đến quan trọng trong 5 tháng còn lại năm 2023 và quyết định mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023. Trong 7 tháng, Việt Nam xuất sang Mỹ trên 52,4 tỷ USD, giảm 21,8%, trong khi 6 tháng giảm 22,6%. Với Trung Quốc, năm ngoái đã nhập từ Việt Nam gần 58 tỷ USD hàng hóa và dự báo vượt 60 tỷ USD trong năm nay.n
Nguồn: TBKTVN