Quay lại

Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics: Cần tăng cường các mối liên kết trong ngành

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt khoảng 14-16%; tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.

Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực logistics.

THIẾU SỰ LIÊN KẾT GIỮA CÁC BÊN

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế khi chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... trong nước và với khu vực còn yếu; chi phí dịch vụ còn cao; chất lượng một số dịch vụ có vấn đề trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay đang diễn ra cạnh tranh gay gắt.

Theo đại diện Bộ Công Thương, nguyên nhân của tình trạng này chính là sự thiếu liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành, thể hiện qua tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics ở Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển khác.

Mức độ chuyên nghiệp của ngành logistics chưa cao, chưa tạo được niềm tin cho đối tác. Tư duy của nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại vẫn theo hướng tự làm khép kín mà chưa nhìn nhận được những ích lợi của việc thuê ngoài.

Trong khi đó, lợi ích mang lại từ việc thuê ngoài dịch vụ logistics rất lớn, giúp doanh nghiệp tập trung vào chuyên môn, lĩnh vực có thế mạnh của mình; giảm chi phí đầu tư, quản lý phương tiện, kho bãi, nhân sự; hoạt động logistics được xử lý bởi bàn tay chuyên nghiệp…

Ông Trần Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, cho rằng hiện các doanh nghiệp, chủ hàng tuy đã có sự hợp tác với các đơn vị logistics nhưng chưa đi vào chiều sâu, vẫn theo kiểu thời vụ nên chưa tạo thành mạng lưới cung cấp hàng hóa và dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng, làm giảm hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh hàng hóa giữa các bên.

Bà Trần Hoàng Yến, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết ngành này đã xuất khẩu tới gần 170 thị trường, bao gồm những thị trường lớn và khó tính nhất. Năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD.

Do đó, vai trò của logistics (kho đông lạnh, vận tải đường bộ nội địa, vận chuyển xuất nhập khẩu đường biển, các dịch vụ hồ sơ giấy tờ…) là vô cùng quan trọng trong chuỗi sản xuất-cung ứng-xuất nhập khẩu thủy sản đông lạnh. Logistics thường chiếm 6-7% giá thành sản phẩm thủy sản đông lạnh xuất nhập khẩu.

“Kho đông lạnh bảo quản đóng vai trò không thể thiếu trong quy trình sản xuất cung ứng thủy sản, đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Điều kiện bảo quản của kho đông lạnh quyết định chất lượng sản phẩm thủy sản.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu kho lạnh, nhất là khi cao điểm hoặc khi gặp khó khăn thị trường vẫn xảy ra. Doanh nghiệp thủy sản hầu hết đều phải đầu tư kho bảo quản đông lạnh để hoàn chỉnh quy trình. Nhưng công suất này thường chỉ đủ cho chính doanh nghiệp đó trong ít ngày sản xuất”, bà Yến nêu bất cập.

Kho bảo quản thương mại, dịch vụ hiện có phần lớn đều là các kho lạnh của nước ngoài, có dung tích lớn như: SWIRE Pacific, AJ, LOTTE, Preferred… Kho thương mại dịch vụ cho thủy sản đông lạnh xuất nhập khẩu chủ yếu nằm ở miền Nam; tại miền Bắc và miền Trung có rất ít các kho kiểu này, do vậy đã hạn chế phần nào hoạt động sản xuất, thương mại thủy sản. Ngoài ra, để xuất khẩu được sang EU, kho lạnh còn phải có EU Code, nhưng hiện tại chưa có kho nào được cấp.

CẦN DOANH NGHIỆP CÓ ĐỦ TẦM ĐỨNG RA KẾT NỐI

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, ông Hải cho rằng trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp căn cơ đã và đang được thực hiện, thì giải pháp cần tập trung triển khai mạnh chính là củng cố, tăng cường các mối liên kết trong ngành.

Cụ thể, cần tăng cường thực hiện liên kết các vùng kinh tế, gồm liên kết liên vùng và nội vùng trong xây dựng hệ thống logistics. Hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông và trung tâm logistics phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, thực thi cơ chế chính sách về hoạt động logistics và các chính sách hỗ trợ khác.

"Để ngành logistics phát triển, cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng bộ quan điểm quản lý, xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành cũng như xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất", ông Hải đề xuất.

Sự phối hợp, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp thông qua cầu nối là các hiệp hội có vai trò quan trọng. Vì vậy, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp trong việc đào tạo và phát triển nhân lực phục vụ ngành logistics. Phát triển các chương trình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao, tay nghề tốt, đáp ứng được nhu cầu thực tế công việc ngay khi ra trường.

"Việc tăng cường hợp tác, liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng, giữa các hiệp hội, doanh nghiệp là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và có thể thực hiện được. Điều quan trọng là cần có những doanh nghiệp, cá nhân có đủ tâm, đủ tầm, đủ nhiệt huyết, uy tín, tích cực đứng ra kết nối, từ đó có hợp tác lâu dài, giúp ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển bền vững", ông Hải nhấn mạnh...

Nguồn: TBKTVN