Quay lại

Kích cầu tiêu dùng trong nước để phục hồi sản xuất kinh doanh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn so với mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%).

Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 65,9% và doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,3% (nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,5%; may mặc tăng 9,5%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 9,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,5%). 

Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.016,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 (đạt 2.7149, 8 nghìn tỷ đồng) cho thấy sức cầu của thị trường trong nước lớn hơn.

“Như vậy, thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm”, Bộ Công Thương nhận định.

CẦU NỘI ĐỊA ĐANG KHÁ YẾU
Đánh giá của Bộ Công Thương cho rằng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng năm 2023 mặc dù có quy mô lớn hơn nhưng tốc độ tăng đang chậm lại và thấp hơn cùng kỳ năm trước (10,9% so với mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm trước).

Hạ tầng thương mại xét về tổng thể còn yếu kém và lạc hậu, đặc biệt là ở khu vực thị trường nông thôn dẫn đến chi phí trung gian của doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hóa thành phẩm nhiều tầng nấc.

Nguyên nhân được Bộ Công Thương chỉ ra là do kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cần thời gian để phục hồi, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài.

Bên cạnh đó, việc thực thi Chương trình phục hồi kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn còn chưa kịp thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất. Công tác ứng phó với các cú sốc bên ngoài đôi lúc còn bị động, chưa linh hoạt. Chưa chủ động trong công tác đánh giá, dự báo tình hình, nghiên cứu, đề xuất chính sách.

Trong một số trường hợp, đôi lúc còn chưa theo kịp thực tiễn trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh Nga-Ucraina tiếp tục phức tạp…

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tiêu dùng của hộ gia đình 6 tháng đầu năm 2023 tăng khá chậm (2,68%) so với cùng kỳ năm 2022 do kinh tế trong nước gặp khó khăn khiến thu nhập của người dân giảm sút. Điều này cho thấy cầu nội địa đang khá yếu.

“Trong bối cảnh cầu thế giới suy giảm do hậu quả tác động kép của dịch bệnh và xung đột giữa Nga – Ukraine gây khó khăn cho sản xuất trong nước, cầu nội địa yếu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”, bà Hương nhìn nhận.

Để thúc đẩy tổng cầu, Chính phủ cần sử dụng đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Theo đó, triển khai giảm, miễn, giãn hoãn thuế; giảm các loại phí như: Thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm 2% đối với những nhóm hàng hóa dịch vụ áp dụng thuế suất thuế VAT là 10%. Chính sách này đối với người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp vì làm giảm chi phí tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Việc giảm thuế VAT có ba tác động lớn, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn giúp giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ chính sách tiền tệ bớt thắt chặt hơn. Ngoài chính sách giảm thuế VAT, Chính phủ cũng thực hiện gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023…

TRIỂN KHAI MỘT LOẠT GIẢI PHÁP KÍCH CẦU NỘI ĐỊA
Với một loạt các giải pháp đồng bộ về chính sách tài khóa và tiền tệ, bà Hương cho rằng cầu nội địa sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.

Phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh:  mục tiêu chủ yếu đặt ra với lĩnh vực thị trường trong nước là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 8-9%.

Tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch. Đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Ban Chỉ đạo 35, Bộ Công Thương cho biết cần triển khai đồng thời sáu nhiệm vụ và giải pháp...

Nguồn: TBKTVN