Thị trường thu hẹp, xuất khẩu gỗ vẫn đang gặp khó
Tại Hội nghị giao ban ngành chế biến - xuất khẩu gỗ tổ chức tại tỉnh Bình Dương mới đây, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết năm 2023 do ảnh hưởng của xung đột thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam bị thu hẹp.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN XUẤT KHẨU GỖ GIẢM
Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng qua ước đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,21 tỷ USD, giảm 26,2%; lâm sản ngoài gỗ 580 triệu USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam; trong đó: thị trường Hoa Kỳ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 39,8%; Nhật Bản 834,3 triệu USD, giảm 4,8%; Trung Quốc 701,1 triệu USD, giảm 26,3%; EU (cả Anh) 425,5 triệu USD, giảm 33,7%; Hàn Quốc 410,3 triệu USD, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Tổ chức Forest Trends, cho hay trong nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của khối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều giảm so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, doanh nghiệp FDI đạt 2,79 tỷ USD giảm 32,5%; doanh nghiệp Việt đạt 3,15 tỷ USD giảm 22,4%.
Tuy nhiên, nếu so sánh về số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đồ gỗ nửa đầu năm 2023, trong khi số lượng doanh nghiệp FDI giảm 6,1%, thì số lượng doanh nghiệp Việt xuất khẩu đồ gỗ lại tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nội đang có sức chống chịu tốt hơn so với các doanh nghiệp ngoại.
Nhận định những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm mạnh, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết do lạm phát tăng cao (trên 8%) tại một số quốc gia xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam, nên chính phủ các quốc gia này ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ. Đồng thời, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm chế biến từ gỗ.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị (Nga - Ukraine) tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp như: chi phí logistics, giá gỗ nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào đều tăng. Ngoài ra, xuất khẩu suy giảm còn do chính sách bảo hộ của các quốc gia đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, do vậy ảnh hưởng tới việc thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Bổ sung thêm, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết tần suất ngành gỗ đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Từ 2015 tới năm 2019, ngành gỗ đối diện với hai vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Từ năm 2020 tới nay, ngành gỗ đã đối diện với 5 vụ việc: 4 vụ việc xuất phát từ thị trường Mỹ (vụ việc 301, gỗ dán cứng, tủ gỗ, sản phẩm sử dụng mặt đá nhập từ trung quốc); 1 vụ việc xuất phát từ thị trường Canada.
Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu mọi sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có chứng chỉ rừng bền vững. Nước Đức áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đã tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam.
"TRỢ SỨC" VẪN CÒN CHẬM
Thông tin về tình hình “trợ sức” từ Nhà nước đối với doanh nghiệp ngành gỗ, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay: hiện các doanh nghiệp đang được tháo gỡ khó khăn về thuế.
Cụ thể: việc nộp thuế giá trị gia tăng hiện được gia hạn 6 tháng cho quý 1/2023; 5 tháng cho quý 2/2023; 4 tháng cho tháng 7/2023; 3 tháng cho tháng 8/2023. Thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 đang được gia hạn 3 tháng. Doanh nghiệp cũng được miễn 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023, gia hạn 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023.
Về hoàn thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đã có Công điện ngày 26/5/2023, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 5427/BTC-VP ngày 26/5/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2099/TCT-KK ngày 26/5/2023 gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay việc chậm hoàn thuế của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Một vấn đề bất cập khác, theo lãnh đạo VIFOREST, là việc khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trong nước được thực hiện theo Thông tư 26/TT-BNNPTNT, nhưng tới thời điểm này, khi các doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ theo quy định vẫn gặp khó khăn, khi chỉ xác minh được bảng kê của sản phẩm chứ không xác minh tới người trồng rừng, gây khó khăn trong quá trình xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) khi xuất khẩu. Một số tỉnh/thành áp dụng xác minh bảng kê lâm sản qua cổng dịch vụ công quốc gia, điều này không khả thi khi người trồng rừng ở các vùng sâu, vùng xa, không thể cập nhật các công nghệ.
Do đó, VIFOREST kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững. Đồng thời, cần thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết Net Zero trong ngành gỗ...
Nguồn: TBKTVN