Thận trọng lo điều hành giá
Lạm phát hạ nhiệt
Liên bộ Công thương - Tài chính đã quyết định giữ nguyên giá xăng và tăng nhẹ giá dầu trong kỳ điều hành ngày 21/6/2023. Theo đó, giá xăng RON 95-III ở mức 22.010 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92-II là 20.870 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 150 đồng, giá bán là 18.170 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 130 đồng/lít, không cao hơn 17.956 đồng/lít; dầu mazut giảm 130 đồng/kg, không cao hơn 14.587 đồng/kg.
Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 18 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Việc giá xăng dù trồi - sụt khá nhiều lần, nhưng biên độ thấp và không tăng “sốc” như thời điểm này năm ngoái đã góp phần quan trọng, khiến Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) kể từ đầu năm tới nay được kiểm soát tốt.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPI bình quân 5 tháng chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%), dù đã điều chỉnh giá điện tăng 3% từ ngày 4/5/2023. Cùng với đó, lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực, với lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng tăng 4,83% so với cùng kỳ năm trước (trong khi 4 tháng tăng 5,9%, quý I tăng 5,01%).
Đây là một trong những lý do căn bản khi công bố các bản báo cáo mới nhất về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng HSBC đều nhấn mạnh việc giá cả, lạm phát của Việt Nam đã “hạ nhiệt”, hay “có dấu hiệu giảm dần”.
Theo WB, lạm phát Chỉ số Giá tiêu dùng của Việt Nam đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, từ mức 2,8% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 4, xuống mức hơn 2,4% trong tháng 5, do giá năng lượng toàn cầu và chi phí vận tải trong nước giảm. Tuy lạm phát cơ bản vẫn còn ở mức khá cao (4,5% trong tháng 5), nhưng đã gần như ngang bằng với mức 4,6% trong tháng 4.
Trong khi đó, HSBC đưa ra dự báo khá khả quan về lạm phát của Việt Nam trong năm nay. “Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% hồi đầu tháng 5, vốn thường tác động lên lạm phát sau một tháng, cũng tạo ra rủi ro tăng lạm phát, nhưng trong tầm quản lý được. Trước những diễn biến gần đây, chúng tôi giảm dự báo lạm phát năm 2023 xuống 2,6%, trước đây là 4%”, HSBC cho biết.
Mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay là 4,5%. Hiện tại, con số đang là 3,55%. Trong khi đó, vẫn có nhiều yếu tố giúp hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Giá xăng là một trong những ví dụ. Nếu năm ngoái, đây chính là ẩn số lớn nhất đối với việc điều hành giá cả, thì năm nay, nhiều dự báo cho thấy, giá xăng dầu sẽ thấp hơn và cũng sẽ ổn định hơn.
Bên cạnh đó, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đảm bảo giá cả mặt hàng này sẽ tiếp tục ổn định. Các chính sách tiền tệ cũng đang được thực hiện linh hoạt, nhưng thận trọng, với mục tiêu nhất quán là ổn định kinh tế vĩ mô. Thêm một yếu tố khác là sức mua của thị trường trong nước chưa có được sự tăng tốc mạnh mẽ, kinh tế khó khăn, khiến nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng, do đó, khó có thể tác động mạnh đến tốc độ tăng của CPI.
Thận trọng lo điều hành
“Bóng ma” lạm phát cao đã phần nào giảm được nỗi ám ảnh, cả ở thị trường quốc tế, chứ không riêng Việt Nam. Ở trong nước, dù giá cả đang hạ nhiệt, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng điều hành giá chưa bao giờ là dễ dàng, vẫn luôn “phập phồng” những nỗi lo.
Trước mắt, các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát là chuyện tăng lương từ ngày 1/7, chuyện tăng học phí khi năm học mới bắt đầu, rồi việc sẽ có một ngân khoản rất lớn được đưa vào nền kinh tế, khi giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh và khi chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đầu tháng 6/2023, sau phiên họp trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rằng, khi lạm phát đang giảm dần, cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng, song vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Liên quan vấn đề này, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 6/2023 vừa công bố, WB cho rằng, khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ nới lỏng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Tuy nhiên, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá”, WB khuyến nghị.
Thực tế, ngoài chuyện dòng tiền đầu tư công được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm có thể ảnh hưởng đến lạm phát, thì chuyện nới lỏng chính sách tiền tệ cũng được nhắc tới. Nhưng câu chuyện trong hiện thời, không chỉ đầu tư công “có tiền không tiêu được”, mà ngân hàng cũng “có tiền không cho vay được”.
Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến ngày 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng tín dụng hiện ở mức rất thấp, nhưng chia sẻ với báo giới trong cuộc họp báo vừa được tổ chức, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng của năm nay vẫn là 14-15%, có thể điều chỉnh tùy theo điều kiện.
“Nếu kiểm soát lạm phát tốt, nhu cầu vốn bức thiết thì có thể tăng room tín dụng thêm nữa. Nhưng cũng có thể ngược lại, nếu như có những tín hiệu kém khả quan, lạm phát tăng, thì sẽ hạ hạn mức tăng trưởng tín dụng”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Nếu cả chính sách tiền tệ và tài khóa đều được đẩy mạnh để hỗ trợ tăng trưởng, thì điều này có thể ảnh hưởng đến lạm phát năm 2023. Tuy vậy, Chính phủ dường như rất tự tin về khả năng kiểm soát lạm phát trong năm nay.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, với điều hành giá, các biện pháp phải rất uyển chuyển, phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, đáp ứng được quan hệ cung - cầu… “Chúng ta phải nắm bắt thị trường để có những giải pháp, kịch bản để điều hành cho uyển chuyển và đáp ứng được yêu cầu, đạt được mục tiêu Quốc hội giao”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Nhắc đến thời điểm tháng 7, lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tình hình đã được “tính toán rất kỹ”, sẽ không có ảnh hưởng nhiều.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức quan tâm để kiểm soát giá, để cuối năm 2023 đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát không vượt quá 4,5%”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Trong cuộc họp báo thường kỳ quý II/2023 của Bộ Tài chính, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tới đây, để kiểm soát giá cả, sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất là bám sát diễn biến thị trường, giá cả và đặc biệt chú ý đến những mặt hàng chiến lược, có ảnh hưởng lớn như xăng dầu.
Nguồn: Báo Đầu tư