Ngành dệt may tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu đơn hàng
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) nhắc lại, từ cuối quý 3/2022 tình hình sản xuất kinh doanh của rất nền kinh tế khác và của nhiều ngành kinh tế khác trong đó có dệt may đều rơi vào tình trạng khó khăn. Thậm chí còn khó khăn hơn giai đoạn Covid -19.
ĐƠN HÀNG MANH MÚN, GIÁ GIẢM 50%
Quý 4/2022 xuất khẩu dệt may chỉ đạt 8,7 tỷ USD – nếu so với bình quân trung của 3 quý trước đó thì giảm tới 15%. Sang 5 tháng đầu năm 2023 tình trạng thiếu đơn hàng, giá giảm tác động mạnh tới các doanh nghiệp.
Thống kê của Vitas cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng tháng 5/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 2,780 tỷ USD, giảm 8,73% so với tháng trước và giảm 27,16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 5 tháng năm 2023 đạt 8,782 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ 2022.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho rằng tình hình rất khó khăn với mọi ngành. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2023, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch trên 5 tỷ USD đều giảm, giảm sâu nhất là lắp ráp điện tử, điện thoại, chế biến gỗ, thuỷ sản, dệt may, da giày.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí.
Riêng với Vinatex, 2 lĩnh vực chính đối mặt với nhiều khó khăn nhất là ngành sợi và ngành may.
Với ngành sợi, khó khăn kéo dài từ quý 3/2022, đỉnh điểm là quý 4/2022 và tiếp tục đến tháng 6/2023 vẫn khó. Nguyên nhân là do cầu thấp, giá giảm do giá bông (nguyên liệu chính của ngành kéo sợi) biến động liên tục khi lên khi xuống và hiện giờ giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp sợi lỗ, tồn kho lớn trong khi vẫn phải duy trì sản xuất.
Với ngành may, từ quý 4/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún. “Chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng từ 500-1.000 chiếc áo jacket như bây giờ. Doanh nghiệp phải làm vì không làm thì khách không biết đến, không có đơn hàng”, ông Hiếu nêu thực tế.
Thậm chí mặt hàng không đúng sở trường vẫn phải làm: dệt thoi làm dệt kim, dệt kim làm dệt thoi; không có đơn hàng quần thì nhận đơn hàng áo… Để làm “trái tay” tốt, doanh nghiệp lại phải đầu tư thêm máy móc thiết bị, đào tạo tay nghề cho công nhân, nếu không trống chuyền công nhân phải nghỉ việc.
Còn với các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt kim, từ tháng 4/2022 đến nay gần như không có đơn hàng. Do giai đoạn dịch 2020-2021, khách hàng chỉ làm việc ở nhà nên khi lượng tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp tập trung vào chủ yếu sản xuất mặt hàng này. Vì vậy, từ 2022 đến nay mặt hàng dệt kim của tất cả các nhãn hàng trên thế giới tồn kho số lượng lớn.
Không chỉ vậy, đơn giá còn giảm khủng khiếp. Thực tế nhiều đơn vị hiện nay giá gia công của ngành may có mã hàng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước kia 1 chiếc áo sơ mi là 1,7-1,8 USD nhưng giờ chỉ còn 85-90 cent.
Chưa kể, khi đã khó khăn thì nhiều yếu tố khó khác lại đến. Gia công xong khách hàng lại hoãn thời gian nhận hàng gây bất ổn cho doanh nghiệp trong vấn đề dòng tiền, kho chứa sản phẩm chưa xuất được ngay. Khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn…
CHÍNH PHỦ CẦN KHỞI ĐỘNG LẠI NHỮNG GÓI HỖ TRỢ
Dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19…
Ngoài ra, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…
Ngành dệt may Việt Nam cũng được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.
Trước những thách thức này, ông Hiếu cho biết Vinatex sẽ tập trung vào các giải pháp chính, như đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị, ổn định dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn lực lượng lao động để sẵn sàng "đón" cơ hội khi thị trường phục hồi.
Điều đáng mừng theo Tổng Giám đốc Vinatex, dù khó khăn như vậy nhưng toàn bộ lao động (gần 63 nghìn lao động) trong tập đoàn vẫn có việc làm, chưa đơn vị nào phải cho người lao động nghỉ việc và vẫn duy trì thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng trong toàn bộ hệ thống.
Bên cạnh việc giữ chân người lao động, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp.
Ngành may linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng. Phát triển đồng bộ về công nghệ và kỹ thuật cho ngành dệt nhuộm, nâng cao chất lượng sản phẩm; tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn…
Ông Cẩm cũng thừa nhận, những tháng cuối năm chưa có tín hiệu lạc quan giúp doanh nghiệp phục hồi. Do đó, Chính phủ cần khởi động lại những gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid. Cần rà soát lại các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã sử dụng như thế nào, từ đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ đưa ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được đẩy mạnh. Như gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% hiện vẫn bị tắc.
Nghị quyết Quốc hội quy định “Chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khả năng phục hồi”, theo ông Cẩm, quy định như vậy gây khó cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng thương mại khó thực hiện. Do đó, kiến nghị cần sửa đổi quy định này để giúp doanh nghiệp khó khăn tiếp cận được gói hỗ trợ.
Bên cạnh đó, ông Cẩm kiến nghị lãi suất cho vay ra giảm xuống để doanh nghiệp bớt khó khăn hơn trong dòng tiền. Ngoài ra nhà nước cần chú trọng hỗ trợ người lao động bên cạnh việc doanh nghiệp tìm cách giữ chân lao động.
Đơn cử những quỹ kết dư như chi phí công đoàn – phần doanh nghiệp đóng nên để lại để công đoàn cơ sở lo cho người lao động. Hay tiền quỹ hưu trí, tử tuất nên tiếp tục ngừng đóng hoặc giãn, hoãn thời gian đóng để doanh nghiệp có dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh…
Nguồn: TBKTVN