Ủy ban Kinh tế: Ưu tiên tập trung chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Nhận định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5% là thách thức lớn, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh trọng tâm ưu tiên trong giai đoạn này là Chính phủ cần tập trung chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hộivề Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được Ủy ban Kinh tế gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.
Đây là nội dung sẽ được trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu vào sáng 23/10 tới, nhưng là báo cáo tóm tắt.
Tại báo cáo đầy đủ 34 trang, cơ quan thẩm tra nhận định, những tháng cuối năm 2023, khó khăn thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng chung của toàn cầu cũng như các giải pháp hữu hiệu khắc phục những bất cập nội tại của nền kinh tế.
Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong nước tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm.
“Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5% là thách thức lớn; không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, cơ quan của Quốc hội nhấn mạnh.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội.
Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh trọng tâm ưu tiên trong giai đoạn này Chính phủ cần tập trung chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó cần chú trọng giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, kích cầu tiêu dùng nội địa. Quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là Hà Nội, TP.HCM và các đầu tàu sản xuất công nghiệp khác của cả nước như các tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, thủ tục hành chính trên các lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cần có đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc đã và đang được chỉ ra, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Vẫn theo Uỷ ban Kinh tế, cần thực hiện phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá cả hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, đất đai, xây dựng, bất động sản…; góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng.
“Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, việc làm bị ảnh hưởng, cần nhanh chóng xác định và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng, bảo đảm an sinh xã hội”, cơ quan của Quốc hội lưu ý.
Vấn đề tiếp theo Ủy ban Kinh tế đề nghị cần quan tâm là trong những tháng cuối năm 2023, cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và hoạt động của các thị trường, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, theo báo cáo thẩm tra.
Phân tích tình hình từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban Kinh tế đề cho rằng, cần đánh giá sâu, kỹ hơn một số vấn đề. Như, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra), trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.
Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 3 quý đầu năm 2023 chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài, nhất là xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và đầu tư tư nhân. Đầu tư trực tiếp nước ngoài và tiêu dùng trong nước chững lại trong khi đầu tư công tuy cải thiện nhưng chưa có nhiều đột phá. Du lịch quốc tế phục hồi chậm, Uỷ ban Kinh tế nhận xét.
GDP 9 tháng đầu năm 2023 tăng 4,24%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023 mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn sau khi kiểm soát đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh năm thứ 2 thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng cho quý cuối năm. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn, cơ quan thẩm tra nhận định.
Nguồn: Báo Đầu tư