Quay lại

Tạo sức bật cho thị trường bán lẻ cuối năm

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn.

HÀNG LOẠT CHƯƠNG TRÌNH GIẢM GIÁ, KHUYẾN MÃI

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 cả nước ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại – dịch vụ trên địa bàn TP.HCM theo đà đó cũng đã diễn ra khá sôi động, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang, gia dụng... 

Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 bắt đầu từ tháng 11 và kéo dài trong cả năm 2024 tùy theo tình hình thực tiễn. Theo ghi nhận, tại hầu hết trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố đều đã phối hợp với các nhãn hàng, thương hiệu triển khai khuyến mại, giảm giá để kích cầu như: “mua 2 tặng 1”; tặng phiếu giảm giá, phiếu mua hàng hoặc bán hàng theo combo gồm sản phẩm chính kèm quà tặng...

Ở góc độ nhà bán lẻ, các đơn vị lớn như: Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart… đã và đang liên tục thực hiện những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài ở tất cả các ngành hàng. Đơn cử Saigon Co.op đang triển khai giảm giá cho 21.000 sản phẩm trong 21 ngày với mức giảm đến 50%. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op chia sẻ: Điểm nhấn của chương trình lần này là 21 chương trình khuyến mãi riêng lẻ được thiết kế khoa học, phân bổ cho hầu hết ngành hàng và có ưu tiên cho những ngành hàng có sức tiêu thụ tốt, gắn với sinh hoạt hằng ngày của mọi gia đình người Việt. 

Thị trường bán lẻ  dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang, gia dụng... 

Thị trường bán lẻ  dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang, gia dụng... 

“Với hàng loạt chương trình giảm giá trực tiếp, mua 1 tặng 1, hàng giá 0 đồng, cấp độ thành viên càng cao càng nhiều ưu đãi, chúng tôi hi vọng khách hàng sẽ tiết kiệm chi tiêu rất nhiều trước khi bước vào cao điểm tiêu dùng cuối năm”, ông Thắng cho biết.

Chủ một chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố chia sẻ: “Cuối năm luôn là thời điểm “vàng” cho các hoạt động kinh doanh. Chúng tôi đã phối hợp với các nhà cung cấp để có nguồn cung tốt, lượng hàng hóa dồi dào và hiện đang giảm giá, khuyến mại tới 1.000 sản phẩm để người tiêu dùng có thể hưởng lợi nhiều nhất. Rất mừng là sau khuyến mại, doanh thu của chúng tôi tăng 20 - 30% so với trước thời điểm trước".

Trong khi đó, tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng Tết với tổng giá trị ước tính khoảng 40.900 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết. Cùng với việc kiểm soát cung cầu, bảo đảm giá cả hàng hóa, Sở cũng sẽ chuẩn bị phương án để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết.

"Tất cả hệ thống phân phối chuẩn bị rất đa dạng nguồn cung hàng hóa cũng như các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để phục vụ đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, những sản phẩm chất lượng cũng như hình thức rất bắt mắt, đẹp phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn", bà Lan cho biết.

Các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng Tết với tổng giá trị ước tính khoảng 40.900 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân

Các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng Tết với tổng giá trị ước tính khoảng 40.900 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân

Trong tháng 11, sự kiện “Tháng khuyến mại” sẽ được triển khai trên địa bàn toàn Thủ đô với đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Cũng trong tháng 11, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight sale 2023” diễn ra vào dịp Black Friday, thu hút nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia.

MỌI BIỆN PHÁP ĐỂ KÍCH CẦU TIÊU DÙNG

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tiêu dùng nội địa còn yếu, phục hồi chậm do hậu quả của đại dịch, do đó, cần có giải pháp, chương trình hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; thúc đẩy du lịch nội địa để gia tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Theo đó, về giải pháp kích cầu tiêu dùng, Chính phủ đã thực hiện kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; tăng cường các đợt khuyến mại và giảm giá hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Cùng đó, giảm giá hàng tiêu dùng cũng có tác động rất lớn tới tâm lý chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng, tăng tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ này cũng sẽ triển khai một số giải pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chính phủ đã thực hiện kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua.

Chính phủ đã thực hiện kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua.

Đồng thời, tổ chức các chương trình kết nối cung cầu giữa các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM với các địa phương khác trong cả nước trong những tháng cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối; tìm kiếm nguồn hàng, giới thiệu các đặc sản vùng miền, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như tổ chức Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2023 theo thông lệ hàng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực, hướng tới các mục tiêu kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước…

Một nghiên cứu công bố ngày 1/11 của ngân hàng UOB (có trụ sở tại Singapore) về Tâm lý người tiêu dùng ASEAN (ACSS) năm 2023 đã chỉ ra rằng, người tiêu dùng ở Việt Nam có tâm lý lạc quan hơn so với người tiêu dùng các nước ASEAN khác.

Theo khảo sát của ngân hàng UOB, cứ 3 trong 4 người trả lời khảo sát tại Việt Nam cho biết họ kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào thời điểm tháng 6 năm sau. Ngoài ra, theo khảo sát, sở thích áp dụng các kênh thanh toán và ngân hàng kỹ thuật số của người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng mạnh mẽ.

Nguồn: TBKTVN