Quay lại

Điểm nghẽn dẫn vốn

Một trong những báo cáo tài chính quý III đáng chú ý là của Garmex Sài Gòn. Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có tiếng ở TP.HCM này có doanh thu hợp nhất vỏn vẹn 73 triệu đồng, nối dài 5 quý liên tiếp khó khăn. Bà Nguyễn Minh Hằng, Tổng Giám đốc Garmex Sài Gòn, cho biết Công ty không có đơn hàng và chỉ còn 37 nhân sự so với hơn 3.700 người cuối năm 2021.

Doanh nghiệp từ chối vay 

Tình cảnh của những doanh nghiệp như Garmex Sài Gòn phản ánh khó khăn của nền kinh tế. Trong đó, có điểm nghẽn rất lớn là thị trường tín dụng và tài chính đối mặt với nghịch lý ngân hàng thừa vốn nhưng không thể cho vay do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế rất yếu.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8, mới có 2.100 khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% (40.000 tỉ đồng), số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt gần 781 tỉ đồng, tức chưa đầy 2%. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp dù đủ điều kiện nhưng đã từ chối gói vay này. Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ chỉ ra loạt nguyên nhân, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất.

 

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dù lãi suất cho vay giảm sâu nhưng tín dụng vẫn tăng chậm do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu khi đối mặt với “chuỗi liên hoàn” khó khăn chưa từng có, gồm áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất, tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng, sức mua tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp cùng khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất... Những doanh nghiệp như Garmex Sài Gòn có vay được cũng không biết để làm gì. Hiện Công ty chỉ còn cách thu hẹp hoạt động, tiết giảm chi phí để giảm thiệt hại. Không chỉ Garmex Sài Gòn, ngay cả những tên tuổi lớn trong ngành như Vinatex, TCM hay TNG cũng đều rơi vào cảnh lãi giảm liên tiếp.

Thực tế này được minh họa cụ thể hơn theo số liệu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu, các thị trường xuất khẩu lớn giảm hoặc tăng rất thấp. Tiêu dùng phục hồi chưa vững chắc, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý. Đầu tư tư nhân 9 tháng tăng 2,3%, chỉ bằng khoảng 1/6 mức tăng trước đại dịch.

Liều thuốc tổng hợp

Ngoài nguyên nhân chủ quan đến từ môi trường kinh doanh, bản thân doanh nghiệp cũng đang có nhiều vấn đề trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Lấy ví dụ, theo ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có 2 báo cáo tài chính, trong đó báo cáo tài chính gửi cho ngân hàng và báo cáo thuế với số liệu không thống nhất với nhau. “Chúng tôi rất khó để đánh giá chính xác năng lực của doanh nghiệp cũng như dòng tiền của họ để từ đó có sự hỗ trợ, giải ngân”, ông Long nói.

 

Lo ngại của lãnh đạo BIDV có cơ sở khi nợ xấu của nhiều ngân hàng tiếp tục  tăng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu nội bảng các ngân hàng là 3,56% tính tới cuối tháng 7. Mức này cao hơn 2% so với cuối năm 2022 và gần 1,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo nợ xấu có thể tiếp tục tăng khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn hết hạn khoanh, giãn, hoãn nợ. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay các doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu thì ngân hàng mới dám cho vay. Thậm chí, doanh nghiệp phải chấp nhận cắt lỗ, giải phóng hàng tồn kho... để thu hồi vốn. 

Có thể thấy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng lãi suất không phải là “liều thuốc vạn năng” mà cần khắc phục nền kinh tế tổng thể để doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, kết nối thị trường, tăng cơ hội kinh doanh. Để tự cứu mình, doanh nghiệp phải uống “liều thuốc tổng hợp” gồm tăng cường quản trị rủi ro, xử lý thông tin và xây dựng các kịch bản có thể xảy ra, tận dụng việc kết nối các ngành hàng, đối tác, các gói hỗ trợ của Chính phủ, bắt nhịp các xu thế về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Nguồn: nhipcaudautu