Tâm lý sợ trách nhiệm vẫn là điểm nghẽn lớn của kinh tế TP.HCM
Ngày 18/7, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức Diễn đàn kinh tế vĩ mô với chủ đề “Vượt gian khó đón tương lai”. Tạo hội thảo, nhiều chuyên gia, hiệp hội… đã có những đóng góp về điểm nghẽn trong tăng trưởng kinh tế TP.HCM và giải pháp tháo gỡ.
TÂM LÝ SỢ TRÁCH NHIỆM LÀ ĐIỂM NGHẼN LỚN
Theo ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, dư địa tăng trưởng kinh tế của TP.HCM vẫn có nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5 - 8% như đặt ra là rất khó khăn.
Ông Bình An tính toán, để GRDP của Thành phố cả năm tăng được 7% thì quý 3/2023 phải tăng từ 11,3 - 15,3%. Trường hợp GRDP quý 3/2023 chỉ tăng từ 9,81 - 14,7% thì ước tính cả năm sẽ tăng từ 6,5 - 7%.
Đồng tình, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 ở mức 6,5% là rất khó, khi mà tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay chỉ đạt 3,72%, thấp kỷ lục trong vòng 14 năm trở lại đây.
Nói về những khó khăn mà kinh tế Thành phố đã và đang đối diện, ông Bình An cho biết, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; đầu tư công có khởi sắc nhưng rất chậm. Ngoài ra, một số dự án lớn quyết liệt thực hiện như Vành đai 3 nhưng chưa đủ để thúc đẩy kinh tế đầu tàu.
Song song đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố giảm rất mạnh; việc thị trường bất động sản giảm rất rõ kéo theo các ngành vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng; nhu cầu tín dụng yếu dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp; thị trường chứng khoán, trái phiếu chưa phục hồi. Từ đó, niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế ảm đạm và khả năng cắt giảm lao động sẽ có nguy cơ tăng do đơn hàng giảm.
“Tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chưa chủ động... của nhiều cán bộ, công chức đang và sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đầu tư công, hay các dự án thị trường bất động sản. Đây là điểm nghẽn rất lớn và cần tháo gỡ trong thời gian tới”, ông Bình An nhấn mạnh.
Lý giải về nguyên nhân, theo ông Bình An, điểm nghẽn này nếu không được tháo gỡ thì dù có nhiều chính sách đưa ra để kích thích kinh tế phát triển, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công... cũng sẽ khó thực hiện, vì con người vẫn là quan trọng nhất.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho biết hiện nay tồn tại bệnh tâm lý là sợ. Các cán bộ không dám đặt bút ký để dự án được triển khai kịp thời. “Giám đốc trước làm bậy, phải ở tù. Giám đốc sau không dám làm gì, không ai giải quyết vấn đề, ai cũng sợ. Cuối cùng, dân là người khổ”, ông Dưỡng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho rằng, thời gian qua Thành phố tập trung vào các chính sách tiền tệ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhưng “quên” mất chính sách tài khóa như tích cực xây dựng điện - đường - cầu - trạm.
KỲ VỌNG “ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM” NỬA CUỐI 2023
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và điểm nghẽn trong nền kinh tế, tuy nhiên các chuyên gia nhận định nền kinh tế TP.HCM đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Kỳ vọng, “ánh sáng” sẽ xuất hiện “cuối đường hầm” trong nửa cuối năm 2023.
Các chuyên gia đang thảo luận về những điểm nghẽn trong tăng trưởng kinh tế TP.HCM và giải pháp tháo gỡ khó khăn
Theo TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM, kinh tế TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ có những dấu hiệu lạc quan vào nửa cuối năm nay.
Theo ông Bảo, những tín hiệu tích cực này đến từ những yếu tố trong và ngoài nước. Trong đó, lạm phát thế giới bắt đầu xu hướng giảm, đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ chậm lại sẽ giảm sức ép lên mặt bằng lãi suất thế giới; tồn kho của Mỹ, EU và các nước bắt đầu giảm, quá trình sản xuất bắt đầu phục hồi sẽ tăng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đầu tư công tăng tốc và tác động của các gói mở rộng tài khóa, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; còn dư địa để tiếp tục nới lỏng tiền tệ và thực hiện các gói kích thích kinh tế; quá trình xử lý nợ xấu của thị trường bất động sản sẽ tạo thanh khoản và điều chỉnh giá cả nhà đất, tạo động lực phục hồi của thị trường; các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy tác dụng.
“Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn và thách thức không thể lường trước được”, TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Định hướng hạn mức tín dụng 14%/năm, nên dư địa cho vay là rất lớn, doanh nghiệp có thể yên tâm hoạt động sản xuất.
“Để khắc phục độ trễ của chính sách tiền tệ, mới đây các ngân hàng thương mại đã đồng thuận chủ động giảm lãi suất, đồng nghĩa giảm bớt lợi nhuận để chia sẻ cho doanh nghiệp”, ông Lệnh cho biết thêm.
Cũng theo ông Lệnh, đối với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng của 5 lĩnh vực ưu tiên (doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) được Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất không quá mức 4%/năm. Tuy nhiên để được lãi suất này thì doanh nghiệp cần phải lành mạnh tài chính.
Ông Lệnh cũng khẳng định trong quá trình vay vốn, nếu doanh nghiệp bị cán bộ tín dụng nhũng nhiễu thì lập tức phản ánh qua đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước. Nếu vướng về cơ chế thì cần kiến nghị để tháo gỡ. Ông cũng lưu ý, việc cho vay cũng phải đúng chuẩn, tránh để lại hệ quả nợ xấu cho nền kinh tế.
Bên cạnh dó, hiện nay TP.HCM đang có những điểm sáng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội thông qua với chính sách đặc thù riêng cho Thành phố đã giải phóng nhiều vấn đề, đặc biệt về đầu tư công.
Đồng thời, các khó khăn khác cũng tiếp tục được giải quyết như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận thị trường... để từ đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Nguồn: TBKTVN