Loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường của hợp tác xã
Sáng 17/7 Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 8 luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm vừa qua, trong đó có Luật Hợp tác xã.
Giới thiệu những điểm mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, Luật Hợp tác xã được sửa đổi, bổ sung toàn diện tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác, hơp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia vào nền kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Quy định của Luật bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã; thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Một số điểm mới đáng chú ý được Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề cập, như Luật đã bổ sung quy định quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia mang tính đặc thù. Luật quy định cụ thể mức trích lập quỹ tối thiểu từ thu nhập của giao dịch bên ngoài là 5% đối với hợp tác xã, 10% đối với liên hiệp hợp tác xã nhằm bảo đảm quỹ chung không chia, tài sản chung không chia không ngừng phát triển, thu hút cá nhân, tổ chức tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Việc quản lý, sử dụng quỹ chung không chia và tài sản chung không chia được quy định tạo thuận lợi hơn để giúp các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có điều kiện đầu tư, tái đầu tư phát triển quỹ chung không chia, tài sản chung không chia một cách hiệu quả.
Luật trao quyền cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác, ông Phương nêu điểm mới tiếp theo.
Điểm mới nữa là Luật quy định tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên chính thức lên 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã, 40% vốn điều lệ với liên hiệp hợp tác xã; thành viên có thể góp vốn bằng nhiều hình thức, thông qua hợp đồng mà không phải chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm tạo điều kiện tập trung đất đai từ thành viên, hình thành sản xuất quy mô lớn.
Liên quan đến quy định nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký, tổ chức lại, giải thể theo hướng đơn giản, số hóa. Cụ thể là bỏ phương án sản xuất kinh doanh; cho phép đăng ký thành lập trực tuyến, sử dụng số định danh cá nhân thay cho các giấy tờ pháp lý cá nhân.
Cạnh đó là bỏ quy định bắt buộc thành lập Hội đồng giải thể, thay vào đó hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chịu trách nhiệm thực hiện giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xóa tên trên hệ thống đăng ký sau 180 ngày.
“Đặc biệt, Luật Hợp tác xã năm 2023 đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW và dành một Chương riêng (Chương II) cho các chính sách này để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, bao gồm: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn;Chính sách đất đai; Chính sách thuế, phí và lệ phí; Chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm Chính sách ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường; Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp của mô hình hợp tác xã, tránh trục lợi chính sách; ưu tiên tổ chức kinh tế tập thể thành lập mới ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Phương nói.
Luật Hợp tác xã có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024, để để bảo đảm các nội dung của Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết Luật Hợp tác xã.
Đồng thời, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Hợp tác xã năm 2023.
Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị định và các Bộ trưởng sẽ ban hành 2 thông tư hướng dẫn thi hành Luật, ông Phương thông tin.
Nguồn: Báo Đầu tư