Siết tỷ lệ cấp tín dụng với khách hàng lớn: Lo doanh nghiệp bị đứt gãy vốn đột ngột
Tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước siết giảm mạnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng. Theo đó, tổng dư nợ mà các ngân hàng thương mại có thể cấp cho một khách hàng giảm từ mức 15% vốn tự có như hiện tại sẽ giảm xuống còn 10%; với một khách hàng và người có liên quan giảm từ 25% xuống còn 15% (bao gồm cả tín dụng lẫn trái phiếu).
Quy định này của Ngân hàng Nhà nước nhằm hạn chế tình trạng rủi ro từ tập trung tín dụng đã gây ra những hệ lụy không tốt đến thị trường tài chính trong nước thời gian vừa qua. Mặc dù vậy, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần hết sức cân nhắc quy định này.
Đại biểu Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) cho rằng, bên cạnh việc thu hẹp khá lớn về room tín dụng được cấp cho khách hàng như vừa nêu trên, do dự thảo luật còn mở rộng định nghĩa phạm vi, đối tượng về người có liên quan, đó là công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng, mở rộng người có liên quan hệ huyết thống.
Điều này dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ thấp hơn trước rất nhiều. Ngân hàng có thể cũng sẽ bị thu hẹp lượng khách hàng và khách hàng cũng sẽ bị thu hẹp về nguồn vốn được tiếp cận. Như vậy, có thể gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn và tức thời, đó là nguồn cung vốn cung ứng cho nền kinh tế bị hạn chế hơn, trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, kinh tế giảm sút, lãi suất tăng cao, tín dụng tăng trưởng thấp, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vào nền kinh tế yếu, kênh huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề nên gần như không đảm bảo vai trò huy động vốn cho phát triển.
“Tôi cho rằng, việc giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng cần có sự đánh giá thật kỹ các tác động hiện nay, cần phân tích và đánh giá rõ hơn về thực trạng vay vốn và rủi ro trong thực tại để có giải pháp phù hợp, căn cơ nhất. Quy định mới nhưng không làm tác động quá lớn đến dòng vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận, tạo điều kiện để đảm bảo dòng vốn thông suốt, phục vụ tốt nhất cho hoạt động sản, xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không làm mất khả năng cạnh tranh môi trường đầu tư của Việt Nam so với các nước trong khu vực”, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang cũng cho rằng, việc thay đổi tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho 1 khách hàng và người liên quan cần có lộ trình thực hiện phù hợp để đảm bảo không gây đứt gãy đột ngột nguồn vốn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng.
Lý do là, hiện nay, hoạt động kinh doanh hằng ngày của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng đang được các tổ chức tín dụng cấp. Trên thực tế, khi chưa thực hiện điều chỉnh giảm thì đã có doanh nghiệp gần như chạm trần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng tại tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước.
Không chỉ các tập đoàn kinh tế tư nhân, mà các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện các dự án trọng điểm của nền kinh tế cũng có nguy cơ thiếu vốn.
“Việc siết chặt quy định về giới hạn cấp tín dụng nếu cần thiết như trình thì cần phải được làm rõ hơn tác động đối với các doanh nghiệp và đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty của doanh nghiệp nhà nước đang được giao thực hiện các dự án trọng yếu, quan trọng của nền kinh tế có sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng như dự án điện, dầu khí. Vấn đề này, chúng tôi rất mong muốn là phải có đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn nữa. Đồng thời, quy định chặt chẽ trong việc xác định về người có liên quan để làm thế nào hạn chế được rủi ro tập trung đối với nhóm khách hàng”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) băn khoăn.
Trước lo lắng của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, trên thực tế, với hoạt động ngân hàng của Việt Nam thì nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo rằng nếu như nhu cầu đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro bất cứ khi nào mà kinh tế thế giới, trong nước có những biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân thì sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Khi ngân hàng ảnh hưởng thì domino sẽ rất hệ lụy đến nền kinh tế. Chính vì vậy, đồng bộ với việc phát triển ngành ngân hàng thì các thị trường như thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cần phải được phát triển đồng bộ. Hiện nay, Chính phủ đang có các giải pháp để hướng đến điều đó.
Mặc dù giảm room tín dụng được cấp cho một khách hàng hoặc nhóm khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn, song Thống đốc cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép cơ chế là các tổ chức tín dụng đồng tài trợ.
“Nếu một ngân hàng cho vay một doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn thì mức độ tập trung rủi ro tín dụng sẽ rất lớn. Việc đồng tài trợ sẽ là chia rủi ro đối với các ngân hàng. Khi doanh nghiệp đấy bị làm sao thì bản thân các ngân hàng cũng chia sẻ rủi ro. Trong trường hợp các ngân hàng không đồng tài trợ được thì vẫn có một cơ chế là Thủ tướng Chính phủ quyết định. Khi đó các cơ quan quản lý sẽ đánh giá xem nhu cầu của doanh nghiệp, của tập đoàn lớn như là một số đại biểu nêu thì vẫn có cơ chế để Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nếu để quy định như hiện hành, với nhu cầu vốn ngày càng tăng cao, vốn điều lệ ngày càng tăng cao thì có thể cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro”, Thống đốc lý giải.
Mặc dù vậy, trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục rà soát để quy định làm sao cho phù hợp và đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Nguồn: Báo Đầu tư