M&A - xu hướng và thách thức mới nổi
Kể từ khi trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam có cơ hội tham gia các diễn đàn thương mại đa phương, có tiếng nói trong các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu. Điều này cho phép Việt Nam đàm phán hiệp định thương mại với các quốc gia có cùng lợi ích như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Tham vọng của Việt Nam ngày càng lớn trong những năm gần đây khi tham gia thành công các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). CPTPP mà Việt Nam ký kết vào tháng 3/2018 đã mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Hiệp định đã giảm trung bình 90% thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa các thành viên CPTPP và xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp.
EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, nhằm xóa bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa EU và Việt Nam, được kỳ vọng thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai khu vực. Việt Nam đã và đang là một trong những đối tác thương mại phát triển nhất của EU, với kim ngạch thương mại song phương đạt 56,4 tỷ euro vào năm 2019.
Tác động của các FTA này đối với hoạt động M&A tại Việt Nam là rất lớn. Việc cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường mới khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến sự gia tăng hoạt động M&A trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ và hàng tiêu dùng.
Thị trường M&A Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây. Năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát, hoạt động M&A tại Việt Nam đạt mức cao kỷ lục với 7,2 tỷ USD tổng giá trị các thương vụ. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô mạnh mẽ và cải cách cơ cấu, cũng như xu hướng đang diễn ra của các tập đoàn đa quốc gia tìm cách mở rộng ở Đông Nam Á.
Xu hướng trên dự kiến còn tiếp diễn những năm tới, một phần do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam, thị trường tiêu dùng rộng lớn và đang phát triển, chi phí lao động thấp và hạ tầng phát triển mạnh mẽ.
Bối cảnh M&A tại Việt Nam đang trải qua những thay đổi đáng kể, với những khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư tư nhân đang dần chiếm ưu thế trên thị trường. Những năm gần đây, các quỹ đầu tư tư nhân đã tiếp quản các doanh nghiệp lâu đời, cung cấp vốn tăng trưởng và mở rộng hoạt động. Xu hướng này dự kiến tiếp tục khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nhận ra những cơ hội tiềm năng tại thị trường Việt Nam.
Một xu hướng khác đang định hình bối cảnh M&A tại Việt Nam là sự gia tăng số hóa trong các lĩnh vực khác nhau. Khi đất nước nắm bắt công nghệ và số hóa, các doanh nghiệp là một phần của quá trình chuyển đổi này đang trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các thương vụ M&A. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech và viễn thông đã có tiềm năng tăng trưởng đáng kể.
Tuy nhiên, có những thách thức nhất định cần được giải quyết để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững trên thị trường M&A Việt Nam. Một trong những thách thức chính là việc các quy định pháp lý còn thiếu tính minh bạch và rõ ràng. Có ý kiến lo ngại rằng, khung pháp lý tại Việt Nam quá phức tạp và không rõ ràng, khiến các nhà đầu tư nước ngoài khó định hướng thị trường.
Một thách thức lớn khác là vấn đề tham nhũng đang nhức nhối ở Việt Nam, đặc biệt là trong vài năm qua. Điều này đặt ra một mối đe dọa đáng kể đối với môi trường đầu tư, vì các nhà đầu tư nước ngoài do dự đầu tư vào các quốc gia có mức độ tham nhũng cao. Chính phủ phải tiếp tục giải quyết vấn đề này để duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn.
Bất chấp những lo ngại trên, bối cảnh M&A tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Sự tồn tại của các xu hướng mới và thách thức mới dự báo sẽ định hình sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục phát triển và ngày càng hiện đại hóa, nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp có thể thích ứng với những xu thế mới sẽ được mở ra.
Nguồn: Báo Đầu tư