Quay lại

Hợp tác vận tải Việt Nam - Trung Quốc: Tạo thuận lợi vận tải khách đường bộ, xem xét cấp thêm slot bay

Tham gia đoàn công tác có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, các Vụ có liên quan của Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải.

PHỤC HỒI GIAO THƯƠNG SAU NHỮNG NĂM GIÁN ĐOẠN VÌ ĐẠI DỊCH
Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng có buổi hội đàm với Bộ trưởng Giao thông vận tải Trung Quốc Lý Tiểu Bằng về tình hình hợp tác giao thông vận tải giữa hai nước.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải hai nước không ngừng phát triển. Cụ thể, tháng 12/2022, Bộ Giao thông vận tải hai nước ký thỏa thuận bổ sung thêm 15 tuyến vận tải và 2 cặp cửa khẩu vào danh mục cặp cửa khẩu thực hiện vận tải đường bộ quốc tế Việt – Trung, nâng tổng số cặp cửa khẩu thực hiện vận tải đường bộ là 9 cặp và 35 tuyến vận tải đường bộ giữa hai nước, tạo điều kiện phục vụ cho việc giao thương giữa hai nước sau thời gian bị gián đoạn vì dịch Covid-19.

Đáng chú ý, từ tháng 3/2023, hoạt động hàng không giữa hai nước cũng dần khôi phục trở lại, các hãng hàng không hai nước có kế hoạch khai thác trở lại các đường bay giữa hai nước như đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh, Thâm Quyến, Trùng Khánh, Vũ Hán, Nam Ninh, Thiên Tân của Trung Quốc và Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Lạt của Việt Nam.

Hiện tại có 7 hãng hàng không của Trung Quốc khai thác 10 đường bay từ 9 thành phố của Trung Quốc đến Hà Nội và TP.HCM với tổng tần suất 93 chuyến khứ hồi/tuần.

"Các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airway cũng đang khai thác từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cam Ranh, Đà Lạt đến các điểm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trùng Khánh, Hồ Nam, Hàng Châu, Nam Ninh…", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Cùng với đó, năm 2022, khối lượng vận tải hàng hóa qua các cửa khẩu đường sắt đạt 1,257 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Đoàn làm việc với Tập đoàn Trung Xa để trao đổi tìm hiểu về kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc.

Đoàn làm việc với Tập đoàn Trung Xa để trao đổi tìm hiểu về kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc.

Tại buổi hội đàm, hai bên cùng nhất trí thúc đẩy tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt và đường sông nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Theo đó, thời gian tới, hai nước sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị vận tải hành khách đường bộ, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Hiệp định vận tải đường bộ Việt - Trung; trao đổi thống nhất sớm tiến tới ký kết Hiệp định xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát, Việt Nam - Ba Sái, Trung Quốc.

Đồng thời, tạo điều kiện trong việc cấp slot lịch sử trên cơ sở có đi có lại và xem xét cấp mới thêm slot cho các hãng hàng không hai nước.

Cùng với đó, hai bên tích cực trao đổi việc đàm phán Hiệp định vận tải đường sắt mới thay thế Hiệp định ký năm 1992; thỏa thuận tìm kiếm cứu nạn trên biển Việt Nam - Trung Quốc và tổ chức phiên họp lần thứ nhất Ủy ban liên hợp thực hiện Hiệp định tàu thuyền đi lại tại Khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân, Việt Nam - Trung Quốc…

TÌM HIỂU KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC
Trong hai ngày 29-30/5 vừa qua, đoàn cũng có các buổi làm việc với Cục Đường sắt Quốc gia Trung Quốc. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng chính sách, quy hoạch phát triển đường sắt, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, giám sát công tác an toàn và chất lượng dịch vụ đường sắt.

Ngoài chương trình làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, đoàn làm việc với Tập đoàn Giao thông Trung Quốc.

Đây là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban Giám sát quản lý tài sản nhà nước của Quốc Vụ viện, với ngành nghề chính là đầu tư, xây dựng, khai thác về cơ sở hạ tầng giao thông, chế tạo trang thiết bị, khai thác tổng hợp, cung cấp cho khách hàng phương án giải quyết về vốn đầu tư, tư vấn quy hoạch, thiết kế xây dựng, quản lý khai thác…

Đoàn còn làm việc với Công ty Hữu hạn Cổ phần Trung Xa Trung Quốc là đơn vị chuyên về nghiên cứu và phát triển, thiết kế, chế tạo, sửa chữa, bán, cho thuê và cung cấp dịch vụ kỹ thuật đầu máy toa xe, đoàn tàu kéo đẩy, phương tiện vận chuyển đường sắt đô thị, máy móc xây dựng, thiết bị và phụ kiện điện tử, thiết bị cơ điện và sản phẩm thân thiện môi trường…

Trong chương trình làm việc với Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc tại Thủ đô Bắc Kinh vào sáng ngày 31/5, ông Lưu Chấn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn chủ trì đón tiếp và làm việc với đoàn.

Tại cuộc họp, hai bên điểm qua tình hình hợp tác giữa đường sắt Việt Nam và đường sắt Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải liên vận quốc tế. Ngoài ra, đoàn được cung cấp thông tin tổng quan về đường sắt cao tốc Trung Quốc như: lịch sử phát triển, những công nghệ chủ chốt cũng như đặc điểm của đường sắt cao tốc Trung Quốc. Trên tinh thần hữu nghị, hai bên trao đổi về một số nội dung mà phía Việt Nam quan tâm, phía Trung Quốc cũng đưa ra một số đề xuất đối với sự phát triển đường sắt Việt Nam để phía Việt Nam tham khảo.

Trung Quốc có khoảng hơn 15 năm kinh nghiệm vận hành đường sắt cao tốc nhưng nhờ nguồn nhân lực dồi dào và công nghệ phát triển, quốc gia này nhanh chóng trở thành cường quốc đường sắt cao tốc với 42.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2022 và tổng chiều dài đường sắt đang hoạt động ở Trung Quốc vào khoảng 155.000 km.

Nguồn: TBKTVN