Quay lại

Tạo thuận lợi giao thương nông sản với Trung Quốc: Cần hệ thống cửa khẩu thông minh

Ngày 30/5/2023, Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sang làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh (Quảng Tây – Trung Quốc) để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam với Trung Quốc.

HẢI QUAN NAM NINH ĐƯA RA 3 ĐỀ XUẤT
Tại hội đàm với Cục Hải quan Nam Ninh, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhắc lại tháng 10/2022, Tổng Bí thư của 2 nước đã gặp nhau với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh các quan hệ hợp tác truyền thống trên các lĩnh vực. Đó là cơ sở để ngành nông nghiệp sang gặp chính quyền tỉnh Quảng Tây cũng như Cục Hải quan Nam Ninh để bàn thêm về giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản, đặc biệt là sau dịch Covid-19, ảnh hưởng rất nhiều đến chuỗi cung ứng nông sản của 2 nước.

Ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh cho biết năm 2023, kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Thời gian qua, trao đổi cấp cao giữa 2 bên ngày càng chặt chẽ, tin cậy chính trị lẫn nhau tiếp tục được củng cổ, hợp tác trong các lĩnh vực kinh kế, thương mại phát triển mạnh mẽ và hiệu quả.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hội đàm với Cục Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc).

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hội đàm với Cục Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc).

Ông Vương Vị Băng nhận định thương mại nông sản giữa Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, trong khi đó Quảng Tây vốn là cửa ngõ nhập khẩu nông sản lớn nhất của Trung Quốc. Trong năm 2022, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây nhập khẩu nhiều nông sản Việt Nam nhất trong các địa phương có biên giới đường bộ với Việt Nam.

Cụ thể, kim ngạch lên đến 5,85 tỷ Nhân dân tệ, tăng 86,4% so với 2021, chiếm 14,5% tổng số nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu năm 2023, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây đã nhập khẩu đến 2,49 tỷ Nhân dân tệ các nông sản của Việt Nam, tăng 44,7% so với cùng kỳ 2022, chiếm 19,7% tổng số nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc.

“Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây đã nhập khẩu đến 2,49 tỷ Nhân dân tệ các nông sản của Việt Nam, tăng 44,7% so với cùng kỳ 2022, chiếm 19,7% tổng số nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc”.

Ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh, Trung Quốc.

Hiện nay, do đang vào mùa cao điểm của các loại trái cây như: sầu riêng, xoài nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên, với những nỗ lực của 2 bên, tình trạng thông quan hàng hóa vẫn được duy trì bình thường.

Cục trưởng Hải quan Nam Ninh đưa ra 3 đề xuất với Thứ trưởng Trần Thanh Nam.

Thứ nhất, đề nghị 2 bên tiếp tục tăng cường giao lưu và thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn.

Thứ hai, tăng cường nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm. Hiện nay, phía Trung Quốc đã đề xuất thiết lập hệ thống Hải quan thông minh còn phía Việt Nam thì cho ra đời hệ thống Cửa khẩu số, rất tương đồng về quan điểm.

Thứ ba, tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại nông sản nói riêng và thúc đẩy phát triển thương mại Việt Nam – Trung Quốc nói chung. Trong đó, tiềm năng phát triển hợp tác trong thương mại nông sản giữa 2 nước là rất lớn.

Khẳng định thống nhất cao về mặt chủ trương với 3 đề xuất mà ông Vương Vị Băng đưa ra, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu vấn đề: Một số cửa khẩu đang quá tải, trong khi nhiều nông sản không thể chờ lâu, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Vì vậy, đề nghị Hải quan Nam Ninh chỉ đạo ưu tiên thông quan sớm cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đưa qua cửa khẩu.

“Có một số vấn đề chúng ta cần bàn luận trực tiếp, ví dụ như các tiêu chuẩn xuất nhập khẩu hàng nông sản; cơ chế thông quan, cấp mã QR để kiểm soát lượng hàng hóa và các chính sách để hai bên cùng phối hợp điều hành”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị.

Quảng Tây có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam với 9 cặp cửa khẩu nhưng mới 6 trong số đó được xuất nhập khẩu rau củ quả. Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô xuất nhập khẩu rau củ quả lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, giảm chi phí. Điều này sẽ đem lại thuận lợi cho cả 2 bên.

Cho rằng xây dựng cửa khẩu số, Hải quan thông minh là ý tưởng cấp thiết, vì vậy, đề xuất phía Hải quan Nam Ninh sớm xây dựng đề án cụ thể vì ở khu vực cửa khẩu có nhiều đơn vị cùng làm nhiệm vụ chứ không phải chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nêu kiến nghị về việc thành lập các chuỗi doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực logistics, đặc biệt là chuỗi lạnh với sự kiểm soát của cơ quan chức năng hai nước để phục vụ xuất nhập khẩu nông sản, đảm bảo chất lượng, giảm giá thành trong giao thương.

Đồng thời, Việt Nam cũng đề xuất nên xây dựng các kho lạnh hay trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm ở khu vực biên giới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hai nước, đặc biệt là trong các giai đoạn cao điểm.

Cuối cùng, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh thêm về giao thương các sản phẩm thủy sản giữa hai nước, vốn có nhu cầu rất lớn nhưng thỏa thuận về kiểm soát an toàn thực phẩm với sản phẩm thủy sản lại sắp hết hạn vào tháng 9/2023. Do đó, kiến nghị phía Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư mới về xuất nhập khẩu thủy sản và các loài thủy sản sống giữa Việt Nam và Trung Quốc.

THỐNG NHẤT THÀNH LẬP HIỆP HỘI NÔNG SẢN VIỆT NAM – QUẢNG TÂY

Trước đó, vào sáng 30/5, tại Thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi hội đàm với ông Hứa Hiển Huy, Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh về hợp tác phát triển nông nghiệp, thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và Quảng Tây.

Ông Hứa Hiền Huy cho biết năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Quảng Tây đạt 427 tỷ nhân dân tệ, đứng thứ 9 Trung Quốc, trở thành vùng sản xuất rau, hoa quả, đường, nổi tiếng toàn quốc, vươn tầm thế giới.

Ông Hứa cho hay hiện tại đã có 14 doanh nghiệp Quảng Tây đang đầu tư ở Việt Nam. Trong khi đó, tại hai thành phố biên giới là Đông Hưng và Bằng Tường, các khu thương mại nông nghiệp đang được xây dựng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm việc với Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng tỉnh Quảng Tây là cửa ngõ từ Việt Nam vào Trung Quốc, chúng ta cần phát triển mạnh hơn nữa quan hệ truyền thống. Thứ trưởng Nam đề xuất thúc đẩy trao đổi khoa học công nghệ giữa hai bên, hợp tác cùng phát triển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có 4 trường đại học, 28 trường cao đẳng, đều có hợp tác với các trường của Quảng Tây. Rất nhiều chương trình hợp tác về giống, về cơ giới đã được triển khai.

"Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. Sắp tới, chúng tôi hy vọng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Cục Thú y của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này”.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

“Ngoài việc sinh viên sang du học, chúng tôi cũng mong phía Quảng Tây tạo điều kiện cung cấp các suất học bổng cho cán bộ của Bộ sang học về ngôn ngữ và nghiên cứu nông nghiệp. Thông qua hệ thống đại học hai bên, nên xây dựng Trung tâm Đổi mới và Sáng tạo, Phát triển Nông nghiệp bền vững. Đây sẽ là nơi ươm mầm sáng tạo cho sinh viên, cán bộ nông nghiệp hai nước”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất.

Tại hội đàm, hai bên thống nhất chủ trương thành lập Hiệp hội nông sản Việt Nam - Quảng Tây, nhằm tạo ra kênh chính thống cho doanh nghiệp hai bên cùng phát triển. Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, có sự giám sát của cơ quan chức năng, hạn chế tối đa khâu trung gian gây tăng giá thành.

Về chuỗi bảo quản lạnh, đây là khâu cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước để đảm bảo chất lượng. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Thứ trưởng Nam mong muốn các doanh nghiệp hai bên thí điểm xây dựng khu chế biến gia súc công nghệ cao ở biên giới. 

Nguồn: TBKTVN