Giá cà phê tăng cao nhưng xuất khẩu giảm sâu do nguồn cung đã hết
Tại Hội nghị "Tổng kết niên vụ cà phê 2022/2023 và phương hướng nhiệm vụ 2023/2024" mới đây, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết giá xuất khẩu cà phê đang cao nhất trong vòng 30 năm qua, đạt 2.682 USD/tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường trong nước, giá cà phê cũng lập mốc cao kỷ lục, có thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg. Hiện tại giá cà phê nội địa đang ở mức bình quân 61.000 đồng/kg, cao hơn 68% so với cuối năm ngoái.
PHẢI NHẬP KHẨU MỚI ĐỦ ĐÁP ỨNG ĐƠN HÀNG XUẤT KHẨU
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Nam Hải cho hay, tháng 10/2023, cả nước xuất khẩu trên 43.000 tấn, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm tới 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là khối lượng xuất khẩu thấp nhất tính theo tháng trong 12 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong tháng 10/2023 đạt 157,55 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 9/2023 và giảm 28,0% so với tháng 0/2022.
Chỉ rõ nguyên nhân khiến lượng cà phê xuất khẩu sụt giảm mạnh, ông Hải cho biết là do trong nước không còn hàng để xuất khẩu. Trước đó, xuất khẩu tháng 9/2023 cũng chỉ đạt xấp xỉ 51.000 tấn, trị giá khoảng 169 triệu USD, giảm hơn 48% về lượng và hơn 28% trị giá so với tháng 9/2022.
"Lũy kế 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt gần 1,3 triệu tấn với kim ngạch gần 3,3 tỷ USD, giảm gần 11% về lượng xuất khẩu và 1,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước".
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam.
Tính toàn niên vụ 2022/2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021/2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay.
Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, cà phê Robusta chiếm tỉ lệ cao nhất với 1,49 triệu tấn, kim ngạch 3,25 tỷ USD, cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 41.500 tấn, kim ngạch 169 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD. Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch khoảng 510 triệu USD (khối lượng chiếm khoảng 5,4% và kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022/2023).
So với niên vụ trước, niên vụ này cà phê Robusta xuất khẩu tăng khoảng 0,7% về khối lượng và 10,8% về kim ngạch. Trong khi đó, cà phê Arabica giảm khoảng 30,7% về khối lượng và giảm 34,9% về kim ngạch.
Quang cảnh hội nghị.
Lãnh đạo VICOFA nêu một thông tin khá bất ngờ: Trong niên vụ 2022/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 102.100 tấn cà phê từ các nước trên thế giới, với giá trị gần 300 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu cà phê nhân trong niên vụ 2022/2023 là 98.600 tấn, giá trị lên tới 246 triệu USD, tăng 19% về khối lượng và tăng 23% về kim ngạch so với niên vụ 2021/2022. Còn nhập khẩu cà phê chế biến trong niên vụ 2022/2023 khoảng 3.500 tấn, giá trị hơn 53 triệu USD, giảm 46% về khối lượng và giảm 29% về giá trị so với niên vụ 2021/2022.
Lý giải nguyên nhân các đơn hàng xuất khẩu tăng cao, ông Hải cho biết là do sản lượng cà phê thu hoạch của nước ta trong niên vụ vừa qua giảm sâu, không đủ đáp ứng cho xuất khẩu. Vì vậy, các thương nhân phải tăng cường nhập khẩu cà phê thô về phục vụ chế biến xuất khẩu. Chẳng hạn như cà phê nhân, Việt Nam nhập khẩu từ các nước có giá bán thấp hơn, hoặc những loại cà phê mà Việt Nam trồng được ít do khí hậu thổ nhưỡng như loại cà phê Arabica. Việt Nam nhập loại cà phê này từ Lào do giá bán của họ thấp hơn ở Việt Nam.
SẢN LƯỢNG CÀ PHÊ SẼ TIẾP TỤC GIẢM TRONG NIÊN VỤ MỚI
Theo ông Hải, cà phê Arabica trong nước chỉ có một số vùng trồng được nên số lượng hạn chế, trong khi loại này có chất lượng cao nên phải nhập khẩu về tiêu thụ. Riêng với cà phê chế biến, trong những năm gần đây hệ thống chuỗi cà phê trong nước phát triển, nhiều thương hiệu cà phê nước ngoài có mặt và mở chuỗi khắp các thành phố lớn tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cà phê này phần lớn nhập khẩu cà phê đã chế biến như cà phê rang xay, cà phê hòa tan.
"Chủ yếu hàng nhập khẩu là loại chất lượng cao để phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, tiệm cà phê cao cấp, cà phê trong nước chưa đáp ứng được, hoặc theo quy trình tiêu chuẩn riêng của hệ thống. Do nhu cầu ngày càng tăng lên nên lượng nhập khẩu cũng tăng”, ông Hải thông tin.
"Dự báo niên vụ cà phê 2023 - 2024 sản lượng tiếp tục giảm khoảng 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân đang đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái..."
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam.
VICOFA dự báo, niên vụ cà phê 2023 - 2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Sơn La sẽ thu hoạch cà phê sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 và thu hoạch rộ cuối tháng 12 và tháng 12/2023.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết hiện cả nước có hơn 710.000 ha cà phê, vượt gần 18% so với quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giai đoạn 2020 - 2030 là cả nước có 600.000 ha cây cà phê).
Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê (sau Brazil: 1,9 triệu ha; Indonesia: 1,2 triệu ha; các quốc gia Colombia, Ethiopia và Bờ Biển Ngà mỗi nước có trên dưới 800.000ha). Tuy nhiên, nhờ năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, gấp 2,8 lần so với năng suất cà phê của Indonesia, nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ nhì thế giới, đạt từ 1,75 - 1,85 triệu tấn.
Trong tổng số hơn 710.000ha này, chỉ có hơn 185.000ha diện tích cà phê đạt chứng nhận sản xuất bền vững, với các chứng nhận Utz Certified (Chứng nhận toàn cầu về sản xuất, kinh doanh cà phê có trách nhiệm); chứng nhận Rainforest (Bộ quy tắc thực hành phát triển bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững trên toàn cầu do Tổ chức RA thực hiện); chứng nhận 4C (Quy tắc chung của cộng đồng cà phê - là một hệ thống chứng nhận toàn cầu về trồng và sản xuất cà phê bền vững); chứng nhận VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam). Đây là con số nhỏ so với phần diện tích không có các chứng chỉ.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Bền vững cấp cao - Tổ chức 4C nhận định, ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong thời gian tới, cần có những thay đổi để tuân thủ “luật lệ” mới từ EU và các thị trường trên thế giới, như quy định về Chuỗi cung ứng không gây mất rừng và suy thoái rừng; Luật Thẩm định chuỗi cung ứng; quy định Giảm phát thải khí nhà kính; cơ chế điều chỉnh biên giới carbon(CBAM) và chứng chỉ carbon...
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/11/2023, giá cà phê thế giới tiếp tục tăng. Trong đó, giá cà phê Arabica tăng 2,55%, chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023. Tồn kho cà phê tiếp tục giảm sâu, kết hợp với rủi ro nguồn cung thắt chặt tạo nên hỗ trợ kép đối với giá.
Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2024 tăng 24 USD/tấn, ở mức 2.430 USD/tấn, giao tháng 3/2024 tăng 26 USD/tấn, ở mức 2.386 USD/tấn. Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 tăng 4,45 cent/lb, ở mức 178,8 cent/lb, giao tháng 3/2024 tăng 2,1 cent/lb, ở mức 174,2 cent/lb.
Dữ liệu cho thấy, lượng tồn kho cà phê Arabica đạt chuẩn trên sàn ICE Futures US tính đến ngày 9/11 giảm thêm 8.266 bao (loại 60 kg/bao), xuống còn 302.235 bao - mức thấp nhất trong hơn 24 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, báo cáo Thương mại của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 10/2023 (tháng đầu tiên của niên vụ cà phê 2022/2023) đã giảm 5,7% so với cùng kỳ niên vụ trước đó. Đồng thời trong báo cáo này, ICO nhận định thị trường cà phê niên vụ 2022/23 sẽ thâm hụt 7,3 triệu bao - mức cao nhất trong 10 năm qua. Do đó, dự báo giá cá phê trên thế giới sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024.
Nguồn: TBKTVN