Quay lại

Các doanh nghiệp Mỹ trước lực cản tăng trưởng trong năm 2024

Thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến đà tăng trưởng nhanh chóng, khi chỉ số S&P 500 tăng gần 15% trong ba tháng qua, đánh dấu mức kỷ lục chưa từng có. Các dữ liệu kinh tế gần đây cũng củng cố thêm sự lạc quan của giới đầu tư.

Ngày 2/2, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 353.000 công việc mới trong tháng 1, vượt xa mức dự báo mà giới phân tích đưa ra. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố báo cáo cho thấy GDP của nước này đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3,3% trong quý cuối cùng của năm 2023.

Lạm phát vẫn là mối đe dọa

Không chỉ có số liệu khả quan về GDP, báo cáo từ Bộ Thương mại cũng cho thấy xu hướng hạ hạ nhiệt của lạm phát, khi giảm xuống còn 2,6%. Do đó, giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất xuống dưới ngưỡng 4% trong cuối năm 2024, đồng thời tạo ra một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới.

 

Tuy nhiên, kỳ vọng của các nhà đầu tư như bị “dội một gáo nước lạnh” sau phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell vào ngày 31/1. Ông cho biết ngân hàng trung ương vẫn chưa chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát kéo dài hai năm qua. “Lạm phát vẫn còn quá cao. Tiến trình đang diễn ra để đưa lạm phát đi xuống là điều không thể đảm bảo”, Chủ tịch FED nói trong buổi họp báo ngày 31/1, sau khi ngân hàng trung ương kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày.

Theo đó, các nhà kinh tế cho rằng mối đe dọa các doanh nghiệp Mỹ vẫn còn nhiều tiềm ẩn và hiện đang bị che mờ bởi những số liệu kinh tế lạc quan trong thời gian qua. Trước tiên, các khoản nợ lãi suất thấp trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng nổ bắt đầu đáo hạn, chi phí lãi suất đối với các khoản nợ doanh nghiệp phi tài chính trị giá 21 nghìn tỉ USD của Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên. Như vậy, bài toán lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Quý IV/2023, các công ty thuộc S&P 500 đều báo cáo lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn, chỉ ở mức 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, ba trong số các lực đẩy lợi nhuận hiện đang có dấu hiệu suy yếu. Đáng ngại nhất trong số này nằm ở người tiêu dùng Mỹ. Số tiền tiết kiệm hàng nghìn tỉ USD mà người tiêu dùng Mỹ tích lũy trong thời gian dịch bệnh bùng phát đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, tỉ lệ vỡ nợ trên thẻ tín dụng tăng liên tục.

Nhận thấy giai đoạn khó khăn tiếp theo của nền kinh tế, nhà bán lẻ nội thất trực tuyến Wayfair, Levi’s và Whirlpool đều đồng loạt thông báo cắt giảm nhân sự và đưa ra dự kiến doanh thu tăng trưởng thấp hơn so với dự báo.

Trong khi đó, General Motors dự báo số lượng ô tô được bán ra ở Mỹ trong năm 2024 sẽ chỉ tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 12% của năm 2023. Giá ô tô cũng được dự kiến sẽ giảm, nhằm thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng, mặc dù điều này có thể khiến các doanh nghiệp phải thu hẹp lợi nhuận. Giới chuyên gia nhận định chi phí cao hơn do tiền lương tăng và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân cho sự khó khăn của hãng sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ.

Trên thực tế, xe điện cũng không ngoại lệ, khi Tesla vào ngày 24/1 đã cho biết tốc độ tăng trưởng của công ty có thể thấp hơn đáng kể trong năm nay. Sau thông báo này, giá cổ phiếu của Tesla giảm 12%, tương đương 80 tỉ USD giá trị thị trường “bốc hơi”.

Tiếp đến là sức khoẻ của ngành tiêu dùng Trung Quốc, thị trường lớn nhất của các nhà sản xuất nước Mỹ. Sự sụp đổ trong lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người tiêu dùng.

Chuỗi cà phê Starbucks cho biết tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc đã thận trọng hơn trước đây, dẫn đến áp lực tăng trưởng của thương hiệu cà phê Mỹ tại thị trường này. Ngay cả Apple cũng chật vật đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm 13%. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các hãng nội địa khiến khó khăn chồng thêm khó khăn với các doanh nghiệp Mỹ từng kinh doanh thành công ở Trung Quốc.

Sản xuất Mỹ chững lại

 

Trong khi đó, sự bùng nổ sản xuất của Mỹ ở thị trường nội địa đang có dấu hiệu chững lại, trở thành nguy cơ thứ ba đối với các doanh nghiệp trong năm 2024. Nửa đầu năm 2023, số lượng nhà máy được xây dựng hàng tháng tại Mỹ tăng 17%. Tuy nhiên, trong nửa sau của năm 2023, mức tăng này chỉ còn 8%.

Ngày 18/1, TSMC đã thông báo trì hoãn việc mở nhà máy bán dẫn thứ hai tại Arizona ít nhất một đến hai năm. Đây là lần trì hoãn thứ hai kể từ lần trì hoãn đầu tiên vào tháng 7/2023. Thêm vào đó, có thông tin cho rằng Intel, một nhà sản xuất chip của Mỹ, cũng sẽ trì hoãn việc mở nhà máy ở Ohio. Nguyên nhân được một số ý kiến cho là có thể đến từ việc các khoản trợ cấp từ chính quyền Tổng thống Joe Biden không được chi trả như đúng hẹn.

Chương trình trợ cấp 52 tỉ USD để hỗ trợ sản xuất chip trong nước cho đến nay chỉ được phân bổ một phần nhỏ. Các nhà sản xuất ô tô Mỹ trở nên thất vọng và trì hoãn đầu tư vào sản xuất xe điện. Điều này dẫn đến áp lực không thể đáp ứng nhu cầu thị trường của các nhà máy sản xuất.

Nguồn: Nhgipcaudautu