Quay lại

Bất ngờ suy thoái, Nhật Bản không còn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới

Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 15/2, Nhật Bản - từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, đáp ứng định nghĩa về một cuộc suy thoái kinh tế. Trong quý 4 vừa qua, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của đất nước mặt trời mọc chứng kiến mức giảm hàng năm 0,4%, sau khi giảm 3,3% trong quý 3 theo số liệu công bố lần hai.

Trước đó, trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, giới chuyên gia dự báo kinh tế Nhật tăng trưởng 1,4% trong quý 4.

Nếu tính trên cơ sở quý sau so với quý trước, kinh tế Nhật giảm 0,1% trong quý 4/2023, thay vì tăng 0,3% như dự báo của chuyên gia.

TIÊU DÙNG YẾU, “THỦ PHẠM” GÂY SUY THOÁI

Cả năm, GDP danh nghĩa của Nhật Bản tăng 5,7%, đạt 591,48 nghìn tỷ yên, tương đương 4,2 nghìn tỷ USD nếu tính theo tỷ giá USD/yên bình quân của năm 2024 - số liệu từ Văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay.

Trong khi đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - chứng kiến GDP danh nghĩa tăng trưởng 6,3% trong năm 2023, đạt mức 4,12 nghìn tỷ euro, tương đương 4,46 nghìn tỷ USD nếu tính theo tỷ giá euro/USD bình quân của năm.

GDP danh nghĩa là giá trị sản lượng của nền kinh tế tính bằng đồng USD và chưa điều chỉnh theo lạm phát.

“Bức tranh tăng trưởng ảm đạm khiến cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khó thắt chặt chính sách tiền tệ hơn”, trưởng chiến lược ngoại hối Charu Chanana của công ty Saxo Markets nhận định trong một báo cáo. Ông Chanana cho rằng việc GDP của Nhật giảm trong quý 3 làm suy yếu nhận định cho rằng lạm phát ở Nhật có thể đang thực sự được thúc đẩy bởi một vòng xoáy của thu nhập thực tế tăng và chi tiêu tăng.

Nguyên nhân chính khiến kinh tế Nhật suy giảm là nhu cầu trong nước suy yếu tại tất cả các lĩnh vực, bao gồm tiêu dùng tư nhân. Chỉ có nhu cầu bên ngoài - thể hiện qua giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ - có đóng góp dương vào tăng trưởng GDP.

Tiêu dùng tư nhân, lĩnh vực chiếm khoảng một nửa nền kinh tế Nhật Bản, ghi nhận mức giảm hàng năm 0,9% trong quý 4 do người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh giá thực phẩm, xăng dầu và nhiều mặt hàng khác tăng. Đây là quý thứ ba liên tiếp tiêu dùng ở đất nước mặt trời mọc đi xuống.

Nhật Bản nhập khẩu 94% năng lượng cơ bản mà nước này tiêu thụ. Đối với nhu cầu lương thực-thực phẩm, tỷ trọng được đáp ứng thông qua nhập khẩu là 63%. Bởi vậy, khi đồng yên mất giá, chi phí nhập khẩu của nước này tăng mạnh, đẩy sinh hoạt phí lên cao. Năm nay, đồng yên đã mất giá 6,6% so với USD, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số 10 đồng tiền của các nước công nghiệp phát triển.

 “Tiêu dùng tư nhân đặc biệt yếu, không được như dự báo đi ngang mà thị trường đưa ra trước đó. Không may là tiêu dùng sẽ càng yếu hơn trong tháng 1 do vụ động đất ở Nhật Bản. Mỗi khi có thảm hoả thiên nhiên xảy ra, người dân càng tiêu dùng ít đi”, chiến lược gia Neil Newman của công ty Japanmacro nhận định với hãng tin CNN.

Thống kê cho thấy trong quý 4, đầu tư cơ bản của Nhật Bản giảm quý thứ ba liên tiếp, với mức giảm 0,3%; đầu tư phát triển bất động sản của khu vực tư nhân giảm 4%. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng 11% nhờ đồng yên yếu. Một điểm sáng nữa là chi tiêu của du khách quốc tế đến Nhật Bản tăng mạnh.

GIỚI PHÂN TÍCH LẠC QUAN

Dù kinh tế Nhật suy thoái, thị trường chứng khoán nước này đang trong xu hướng tăng trưởng mạnh, với chỉ số Nikkei 225 đang ở vùng cao nhất kể từ năm 1990. Ngoài ra, một số chuyên gia dự báo nền kinh tế Nhật sẽ khởi sắc trong những tháng tới.

“Dù kết quả tăng trưởng quý 4/2023 gây thất vọng, chúng tôi dự báo nền kinh tế sẽ hồi phục trong quý 1/2024”, nhà kinh tế cấp cao Min Joo Kang của ngân hàng ING nhận định.

Các chuyên gia của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho rằng các cuộc khảo sát kinh doanh và thị trường lao động cho thấy một bức tranh môi trường kinh doanh sáng sủa hơn so với những gì mà các con số thống kê lớn phản ánh.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật trong tháng 12/2-23 giảm còn 2,4%, mức thấp nhất 7 tháng. Cuộc khảo sát Tankan của BOJ cho thấy điều kiện kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và quy mô doanh nghiệp đang ở trạng thái tốt nhất kể từ quý 4/2018.

Theo Capital Economics, số liệu GDP quý 4 của Nhật Bản rất có thể sẽ được điều chỉnh tăng trong lần công bố thứ hai vào tháng 3, và sẽ không ngăn được việc BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 4.

Cùng quan điểm lạc quan, Goldman Sachs ngày 15/1 dự báo kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1% trong quý 1/2024. “Chúng tôi dự báo chi tiêu của du khách quốc tế tới Nhật Bản sẽ chậm lại so với giai đoạn tháng 10-12, nhưng xu hướng vẫn là tăng”, một báo cáo của ngân hàng Mỹ nhận định.

Giới đầu tư cũng đang lạc quan về thị trường Nhật Bản. Năm ngoái, thị trường chứng khoán nước này tăng 28%, trở thành thị trường tăng mạnh nhất ở khu vực châu Á. Một báo cáo ngày 15/1 của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley khuyến nghị tăng phân bổ vốn vào chứng khoán Nhật. “Đây là khuyến nghị tăng tỷ trọng (overweight) lớn nhất trong số các thị trường mà chúng tôi theo dõi trên toàn cầu”, báo cáo viết.

Xu hướng tăng của chứng khoán Nhật chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động cải tổ doanh nghiệp và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) được cải thiện. Cùng với đó, đồng yên yếu cũng giúp tăng cường lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản - theo các nhà phân tích của công ty Eastspring Investments.

Nguồn: TBKTVN