Quay lại

Doanh thu ngành du lịch TP.HCM tăng 57% trong tháng đầu năm

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tháng 1 là tháng trước tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 103.241 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Mức tăng so với tháng trước chủ yếu từ hoạt động bán lẻ hàng hóa do đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm, nhiều siêu thị và cửa hàng thực hiện chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

ĐẢM BẢO HÀNG HOÁ, CHĂM LO TẾT CHO NGƯỜI DÂN

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 1 và triển khai nhiệm vụ tháng 2 vào ngày 1/2, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, cho biết hàng hóa phục vụ tết về các chợ đầu mối bắt đầu tăng từng ngày. Hiện nay, mỗi ngày hàng hóa về 3 chợ đầu mối của TP.HCM khoảng 11.000 tấn, các trang thương mại điện tử, mua bán online cũng phát triển mạnh

Trong tháng 2/2024, UBND TP.HCM sẽ tập trung triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường, phát triển du lịch dịp cuối năm; tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa Tết theo đúng kế hoạch, kịch bản đề ra; tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết.

Đồng thời, chủ động có phương án hoặc để xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.

Thông tin về hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn 2024, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết năm nay TP.HCM chăm sóc cho khoảng 625.442 người với kinh phí 1.102 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố là 915 tỷ đồng.

Ngoài ra, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp, Liên đoàn Lao động thành phố, Thành đoàn và các địa phương cùng vào cuộc chăm lo với số tiền hơn 200 tỷ đồng. Song song đó, còn có các hoạt động chăm lo cho người lao động, công nhân. Điểm mới của hoạt động chăm lo tết năm nay, thành phố chăm lo thêm 3.089 trẻ em, người già gặp khó khăn.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng chủ động tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng cường biện pháp giữ vững quan hệ lao động trên địa bàn. Sở khảo sát 1.300 doanh nghiệp, cho thấy tiền thưởng Tết Nguyên đán 2024 bình quân 12,3 triệu đồng/người. Ngoài tiền thưởng, doanh nghiệp cũng tặng quà tết, phiếu mua hàng, chuyến xe đưa đón công nhân về quê ăn tết, thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

DOANH THU DU LỊCH TĂNG 57% SO VỚI CÙNG KỲ

Tín hiệu đáng mừng cho TP.HCM là ngành du lịch đang được phục hồi, theo Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa, ngành du lịch thành phố ghi nhận các chỉ số tích cực trong tháng đầu năm. Số lượng khách quốc tế, khách nội địa, doanh thu toàn ngành đều tăng.

Cụ thể, doanh thu toàn ngành đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 57% cùng kỳ và bằng 20% của cả nước. Đây là số liệu được tính toán dựa trên kết quả điều tra, khảo sát độ dài lưu trú và mức chi tiêu của du khách.

TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thu hút đông đảo người dân và khách du lịch dịp Tết. Ảnh minh hoạ.

TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thu hút đông đảo người dân và khách du lịch dịp Tết. Ảnh minh hoạ.

Qua khảo sát các cơ sở lưu trú, Sở Du lịch thành phố nhận thấy các tín hiệu khả quan, doanh thu trong đợt cao điểm Tết vẫn tăng. Tuy nhiên, các chỉ số của ngành du lịch trong quý 1/2024 và các tháng sau có thể không tăng cao như tháng 1 vừa qua.

Lý giải về nguyên nhân, theo bà Hoa, do doanh số đặt hàng tại các khách sạn chủ yếu đến từ hội nghị tổng kết, mức chi tiêu của các doanh nghiệp cũng có chiều hướng giảm so với mọi năm. Đồng thời, ảnh hưởng của kinh tế, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng ảnh hưởng phần nào đến việc chi tiêu cho dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn.

Qua điều tra chi tiêu của du khách, độ dài thời gian lưu trú, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết các số liệu đã tăng so với thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019). Trong đó, khách quốc tế lưu trú tại TP.HCM bình quân 4,8 ngày (năm 2019 là 4,3 ngày).

Bên cạnh đó, trong tổng số du khách đến TP.HCM, có 55% là khách tới lần đầu, 25% du khách sẽ quay lại lần 2 và khoảng 19% du khách sẽ quay lại TPHCM lần thứ 3.

Về mức độ chi tiêu, khách quốc tế tại TP.HCM sẽ chi khoảng 4,7 triệu đồng/ngày (năm 2019 là 3,89 triệu đồng); khách nội địa chi khoảng 2,08 triệu đồng/ngày (năm 2019 là khoảng 1,7 triệu đồng).

Dù vậy, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết dù ngành du lịch vẫn có tín hiệu tăng trưởng tốt nhưng thời gian tới, cần các giải pháp linh hoạt, phù hợp để kích cầu, ngăn ngừa chiều hướng đi ngang.

Về vấn đề an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết Sở đã lập 11 đoàn kiểm tra chuyên ngành và phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện tập trung vào những mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, cũng như chuẩn bị ứng phó với những vấn đề có thể xảy ra ở các lễ hội để người dân được an toàn khi sử dụng thực phẩm.

Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng một thực trạng hết sức lo ngại hiện nay đó là việc buôn bán thực phẩm bất hợp pháp trên vỉa hè, lòng lề đường có thể dẫn đến những nguy cơ lớn. Vì vậy, đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, tận gốc. Bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có ý thức và đồng thuận của người dân để ủng hộ cho những sản phẩm hợp pháp, bảo đảm an toàn thực phẩm và giữ sức khỏe.

Cũng theo bà Lan, do thành phố tập trung nhiều lễ hội nên Sở cũng sẽ tăng cường để bảo đảm tất cả lễ hội đều có kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, tư cách pháp nhân, nguồn gốc thực phẩm để các lễ hội diễn ra an toàn.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tính giảm 4,5% so với tháng trước và tăng 26,9% so với cùng kỳ, do cùng kỳ tháng 1/2023 là tháng Tết Nguyên đán.

Về thành lập doanh nghiệp, từ ngày 1/1 đến ngày 20/1, TP.HCM cấp phép 3.303 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 39.020 tỷ đồng, tăng 30,2% về giấy phép và tăng 117,2% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 2.465 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 32.857 tỷ đồng, tăng 29,9% về cấp phép và tăng 154,9% về vốn so với cùng kỳ.

Nguồn: TBKTVN