Quay lại

Hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua Chuyển Đổi Kép”

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi kép trên thế giới tập trung vào 3 trụ cột chính bao gồm: Tăng cường năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; và Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính. Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là chiến lược đột phá trong quy trình sản xuất - kinh doanh. Bằng cách áp dụng các giá trị bền vững và tận dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể xây dựng một nền tảng vững mạnh và đạt được lợi thế cạnh tranh.

Theo báo cáo của PwC chỉ ra rằng AI có thể giảm 4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 nhờ tối ưu hóa sản xuất, vận tải và năng lượng. Hơn nữa, báo cáo khảo sát CEO toàn cầu lần thứ 27 của PwC cũng cho thấy rằng 45% CEO toàn cầu không tự tin về khả năng sống sót của doanh nghiệp trong thập kỷ tới nếu vẫn duy trì con đường phát triển hiện tại. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy và định hướng để đảm bảo sự sống sót và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời kỳ biến động.

Việc áp dụng chuyển đổi không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng đến môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Song song đó, đối với nền kinh tế vĩ mô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tác động tích cực đến ngành quy hoạch, giúp xây dựng hệ thống đồng bộ, hiện đại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết vấn đề việc làm, thúc đẩy phát triển đô thị, liên kết ngành và liên kết vùng, đồng thời mở rộng quan hệ ngoại giao là những lợi ích to lớn mà chuyển đổi mang lại.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Việt Nam; đóng góp khoảng 22% trong tổng GDP và 28% ngân sách cả nước. Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Thành phố đang đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động. Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ vươn lên trở thành đô thị thông minh, hiện đại, đầu tàu về kinh tế số và xã hội số, đồng thời là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục và khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc định hướng chiến lược sản xuất và xuất khẩu, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh vượt qua khó khăn trong bối cảnh nhiều biến động của nền kinh tế thế giới, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) tổ chức Hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua Chuyển Đổi Kép” trong khuôn khổ Tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử năm 2024, diễn ra vào ngày 28 tháng 6 năm 2024.

Nguồn: Phòng Thông tin ITPC