Vốn đầu tư nước ngoài bật tăng trở lại
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm 2023 đã bật tăng trở lại.
Cụ thể, tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 6/2023, tăng 41,9% so với tháng 5/2023 và tăng 85,7% so với cùng kỳ tháng 7/2022.
NHÀ ĐẦU TƯ TIẾP TỤC RÓT VỐN VÀO VIỆT NAM
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, giữa lúc dòng vốn đầu tư suy giảm do những khó khăn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quyết định rót vốn vào Việt Nam, trong đó có những dự án với quy mô “khủng”, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.
Đáng chú ý, không chỉ vốn đăng ký, mà vốn giải ngân trong 7 tháng cũng tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt 11,58 tỷ USD). Điều này cho thấy, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Phân tích cụ thể hơn về cơ cấu vốn đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, mức tăng vốn đầu tư mới so với cùng kỳ tiếp tục tăng mạnh hơn so với các tháng đầu năm. Số dự án đầu tư mới cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Thậm chí, tốc độ tăng số dự án mới lớn gần gấp 2 lần tốc độ tăng tổng vốn đầu tư.
Số liệu thống kê cho thấy, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới 69,4% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư của các dự án này chỉ chiếm 2,7% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 7 tháng.
“Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới. Điều này trái ngược với các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Về vốn đầu tư điều chỉnh, trong 7 tháng đầu năm, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh tuy vẫn giảm so với cùng kỳ (giảm 42,5%) song mức giảm đang có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm.
Cụ thể, vốn đầu tư điều chỉnh 7 tháng đầu năm giảm 42,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm 57,1% trong 6 tháng, mức giảm 59,4% trong 5 tháng, mức giảm 68,6% trong 4 tháng, mức giảm 70,3% trong 3 tháng và mức giảm 85,2% trong 2 tháng đầu năm 2023
Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ và điều này đã một lần nữa khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam. “Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Dù thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2023 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra và cạnh tranh giữa các nước trong thu hút đầu tư ngày một gay gắt, song thu hút FDI 7 tháng vẫn ghi nhận kết quả tích cực ở cả vốn đăng ký và giải ngân. Điều này cho thấy những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI cũng như cải thiện môi trường đầu tư, phản ứng chính sách của Chính phủ vẫn đang giữ được niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.
Theo chia sẻ của ông Cho Ji Tae, Phó chủ tịch Tập đoàn LG Innotek, tại buổi trao giấy chứng nhận mở rộng đầu tư mới đây, những nỗ lực của Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng trong cải cách môi trường kinh doanh chính là một trong những lý do hàng đầu giữ chân nhà đầu tư.
“Với việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, Hải Phòng tiếp tục là điểm dừng chân lý tưởng để đầu tư và mở rộng đầu tư dự án”, ông Cho Ji Tae nhấn mạnh.
Với các nhà đầu tư châu Âu, theo ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, niềm tin các nhà đầu tư châu Âu đã tăng trở lại, nhờ việc Việt Nam kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá của Chính phủ.
CẦN CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ VỮNG CHẮC HƠN
Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022 được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố giữa tháng 2/2023 cũng cho thấy những đánh giá tích cực của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Khoảng 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN và xét theo khu vực chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản dự tính mở rộng kinh doanh từ kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam”, báo cáo cho biết.
Dù ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư để dòng vốn đầu tư dễ dàng chảy vào Việt Nam, song các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý của môi trường đầu tư Việt Nam trong thời gian qua.
Theo Eurocharm, để hấp dẫn nhà đầu tư, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Nguồn: TBKTVN