Việt Nam thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực ngành bán dẫn
Nhận định trên được hội thảo “Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045” do Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA) tổ chức mới đây.
Hầu hết các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định: Trong cơn khát toàn cầu đang làm sôi động về thị trường vi mạch bán dẫn cũng như mức độ khát nhân lực trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể được chia thành bốn nhóm: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói – kiểm tra vi mạch và chế tạo thiết bị, thì Việt Nam chỉ có thể tham gia khâu thiết kế với tổng doanh thu toàn cầu khâu này năm 2022 đạt khoảng 215 tỉ USD.
Tuy nhiên, nhân lực để tham gia khâu này hiện nay cũng rất hạn chế. Hiện nay, cộng đồng vi mạch cả nước có hơn 40 công ty, doanh nghiệp về thiết kế vi mạch và hơn 5.000 kỹ sư, chuyên gia về thiết kế vi mạch. Trong đó, TP.HCM có hơn 30 công ty và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Đăc biệt, sự dịch chuyển của các công ty thiết kế vi mạch trên thế giới về Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu nhân lực khá lớn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HSIA, cho rằng ngành công nghiệp vi mạch là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng và là nền tảng để hỗ trợ, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu.
“Dù được xem là ngành công nghiệp “tỷ USD”, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức đó là thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng”, ông Tuấn khẳng định.
Thực tế, người lao động được tuyển dụng tại các doanh nghiệp chưa thể tiếp nhận công việc ngay mà phải trải qua khóa đào tạo từ 6 đến 12 tháng.
Ở Việt Nam, ngành vi mạch đã được Chính phủ xác định là một trong 9 sản phẩm quốc gia. Phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch là phương thức quan trọng để chuyển hóa các thành tựu khoa học và công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.
PGS.TS Trần Lê Quân, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn của thế giới, giai đoạn này Việt Nam cần hình thành một vài chương trình đào tạo (kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ) và tập sự, tập huấn về vi mạch bán dẫn, MEMS và linh kiện điện tử cho trường đại học phối hợp với một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn. Qua đó, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề tốt và đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho nghiên cứu và sản xuất của các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn trong cả nước.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, vi mạch bán dẫn nắm giữ vai trò nền tảng đối với điện toán, truyền thông, IoT (Internet vạn vật), ứng dụng mạng xã hội; là nguyên liệu hấp dẫn đối với giới vật lý, khoa học vật liệu, khoa học thiết kế và khoa học môi trường.
Ngoài ra, hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp, các trường đại học thảo luận các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, cũng như triển khai Chương trình hợp tác giữa UBND TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM. Đồng thời, đề xuất Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam tầm nhìn đến 2045.
Dịp này, các đơn vị tham gia ký thỏa thuận hợp tác về việc xây dựng Phòng Thí nghiệm công nghệ bán dẫn và nano quang tử; tăng cường thu hút nhân lực trình độ cao tốt nghiệp từ nước ngoài; các chương trình nâng cao kiến thức vi mạch bán dẫn cho đội ngũ giảng viên; xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu và phát triển của trường/viện và doanh nghiệp về vi mạch bán dẫn theo hướng sản phẩm quốc gia.
Trước mắt, sẽ tập trung vào lĩnh vực đào tạo nhân lực cho nhu cầu phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, một trong bốn lĩnh vực chuỗi cung ứng của thế giới…
Nguồn: TBKTVN