Tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động ở người trẻ Trung Quốc
Theo dữ liệu công bố ngày 16/5 của Tổng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 16-24 tại Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4, tăng từ mức 19,6% của tháng trước đó.
Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát tổng thể ở khu vực thành thị ghi nhận ở mức 5,2% trong tháng 4, giảm từ 5,3% trong tháng 3. Tuy nhiên, với 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học chuẩn bị gia nhập lực lượng lao động trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên ở Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới.
Bên cạnh tiến trình phục hồi kinh tế không đồng đều hậu Covid-19, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc không đạt kỳ vọng trong tháng 4.
Các hoạt động kinh tế trong tháng 4 yếu hơn dự báo. Tốc độ tăng trưởng cao nhưng đó là nhờ cơ sở so sánh của năm ngoái ở mức thấp. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trẻ đã vượt 20%, đây là một tín hiệu đáng báo động”, nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management, nhận xét.
Trong tháng 4, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ cơ sở so sánh thấp vào tháng 4/2022, khi số liệu này giảm tới 11,1% so với cùng kỳ 2021. So với tháng 3, doanh số bán lẻ tháng 4 giảm 7,8%.
Trong khi đó, sản xuất công nghiệp - thước đo hoạt động của lĩnh vực sản xuất, khai khoáng và tiện ích - cũng chỉ tăng 5,6% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.
“4 tháng sau khi mở cửa trở lại, kinh tế Trung Quốc phục hồi không đồng đều, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ từ trước và vẫn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ”, nhà kinh tế trưởng Louise Loo của Oxford Economics, nhận xét.
Theo bà Loo, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao kỷ lục cũng gây ra những “rủi ro về kinh tế và xã hội” cho Bắc Kinh.
Vết sẹo do đại dịch Covid gây ra và thị trường lao động trì trệ khiến niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc xuống thấp, dù doanh thu du lịch nội địa đã tăng vọt, đạt 101% so với mức trước đại dịch trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày từ cuối tháng 4.
“Dữ liệu kinh tế tháng 4 cho thấy kinh tế Trung Quốc phục hồi ì ạch”, ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng tại Trung Quốc của Macquarie Group, nói. “Nhìn chung, hầu hết các con số đều gây bất ngờ với xu hướng giảm, làm dấy lên quan ngại về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.
Tuy nhiên, ông Hu cho rằng dữ liệu kinh tế của Trung Quốc đang có xu hướng biến động mạnh trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, như xu hướng từng xảy ra vào đầu năm 2016 và giữa năm 2020.
Quá trình phục hồi chậm hơn dự báo đặt ra câu hỏi về phản ứng của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, bởi năm nay, Bắc Kinh định hướng ưu tiên kích thích nhu cầu nội địa.
Theo các nhà phân tích tại Capital Economics, quá trình phục hồi nền kinh tế của Trung Quốc vẫn còn cơ hội khi chi tiêu của người tiêu dùng đã bắt đầu tăng lên vào đầu tháng 5, trong khi thu nhập tăng lên có thể thúc đẩy tiêu dùng.
“Mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,5% của Trung Quốc năm nay vẫn có thể đạt được, đặc biệt là khi cơ sở so sánh năm ngoái tương đối thấp”, các nhà phân tích của Capital Economics nói. “Tuy nhiên, quá trình phục hồi có thể sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay. Những hỗ trợ tài khóa của chính phủ cũng sẽ dần chấm dứt”.
Cũng theo dữ liệu công bố ngày 16/5, trong 4 tháng đầu năm nay, đầu tư tài sản cố định - thước đo chi tiêu vào các hạng mục như cơ sở hạ tầng, bất động sản, máy móc và thiết bị - tại Trung Quốc tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm 6,2% trong 4 tháng.
NBS đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đã tiếp tục phục hồi trong tháng 4 nhưng nhận định bối cảnh quốc tế vẫn còn “phức tạp và khó khăn”. Trong khi đó, nhu cầu nội địa tại Trung Quốc vẫn chưa đủ và động lực thúc đẩy sự phục hồi vẫn còn yếu. Điều này đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ cần tập trung vào khôi phục và tăng nhu cầu, đồng thời thúc đẩy “tăng trưởng chất lượng và hợp lý của nền kinh tế” - NBS nhấn mạnh.
Nguồn: TBKTVN