Quay lại

Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc cao chưa từng thấy

Cụ thể, tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô - thước đo tỷ lệ tổng dư nợ phi tài chính so với GDP danh nghĩa - của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng lên 287,8% trong năm ngoái, tăng 13,5 điểm phần trăm so với năm 2022.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của vay nợ trong nền kinh tế là thấp hơn - với tổng nợ của các hộ gia đình, doanh nghiệp và khu vực nhà nước tăng 9,8% - mức tăng gần như không đổi so với năm 2022 và là mức tương đối thấp.

Tỷ lệ nợ của các hộ gia đình Trung Quốc trên GDP năm 2023 tăng 1,3 điểm phần trăm lên 63,5%, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp phi tài chính tăng 6,9 điểm phần trăm lên 168,4%. Còn tỷ lệ nợ chính phủ tăng 5,3 điểm phần trăm lên 55,9%.

"Tăng trưởng vay nợ hạn chế, nhưng tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô năm ngoái của Trung Quốc vẫn tăng mạnh, chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng danh nghĩa của nền kinh tế sụt giảm”, báo cáo của NIFD nhận định.

Tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc (đã điều chỉnh theo lạm phát) năm 2023 đạt 5,2%, vượt mục tiêu của Chính phủ, Tuy nhiên, tăng trưởng GDP danh nghĩa giảm xuống 4,6%, từ mức 4,8% của năm 2022. Đây là mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ, phản ánh áp lực giảm phát ngày càng lớn của nền kinh tế.

“Tăng trưởng GDP danh nghĩa thấp hơn tăng trưởng thực tế cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng”, ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý quỹ phòng hộ Pinpoint Asset Management, nhận định trong một báo cáo mới đây.

Theo ông, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần có thêm chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ để phục hồi tiềm năng tăng trưởng của mình.

Đồng quan điểm, NIFD cũng kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm kích thích nhu cầu nội địa và thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 10% cho thấy nhu cầu vay vốn trong khu vực tư nhân vẫn chưa đủ lớn, gây ảnh hưởng tới tiêu thụ và chi tiêu đầu tư. Cơ quan này cho rằng tăng trưởng tín dụng giảm thêm nữa sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng với nền kinh tế.

“Giải pháp duy nhất để kiểm soát chỉ số đòn bẩy vĩ mô là kích thích nhu cầu một cách hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng GDP danh nghĩa”, báo cáo của NIFD viết.

Theo tính toán của cơ quan này, nếu tổng nợ vay tăng 10% còn GDP danh nghĩa tăng 5% trong năm 2024, thì tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô của của Trung Quốc sẽ tăng thêm 14 điểm phần trăm, vượt mức 300%.

“Chính phủ nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP danh nghĩa ở mức 7% và cam kết có các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn nữa nếu không đạt được mục tiêu này. Làm vậy mới có thể phục hồi kỳ vọng của thị trường và thúc đẩy phục hồi kinh tế”, báo cáo của NIFD khuyến nghị.

NIFD khuyến nghị nhà chức trách Trung Quốc duy trì thâm hụt tài khóa ở mức mà chính quyền trung ương có thể vay nợ nhiều hơn dể hỗ trợ các chính quyền địa phương giảm gánh nặng nợ, đồng thời tiếp tục hạ lãi suất để giảm chi phí đi vay và phối hợp hiệu quả với các chính sách tài khóa.

Nguồn: TBKTVN