Quay lại

OECD dự báo triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế toàn cầu

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 3,1% năm 2023 xuống 2,9% năm 2024, cao hơn so với mức dự báo 2,7% được đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái. Báo cáo triển vọng kinh tế thường niên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) điều chỉnh, nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do triển vọng lạc quan đối với kinh tế Mỹ, bù đắp cho triển vọng kinh tế u ám của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong khi đó, tổ chức có trụ sở tại Paris giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 ở mức 3%.

Tổng thư ký OECD Mathias Corman cho biết, kể từ khi OECD công bố triển vọng trước đó vào tháng 11, nền kinh tế toàn cầu đã phát triển tốt hơn. Tăng trưởng toàn cầu vẫn duy trì bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt. “Trong năm qua, lạm phát đã giảm ở hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi G20, trong khi điều kiện tài chính đã dịu bớt, nhờ kỳ vọng của thị trường rằng các ngân hàng Trung ương sẽ giảm lãi suất sớm hơn và nhanh hơn. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp nhìn chung vẫn ở mức thấp, làm tăng cơ hội hạ cánh mềm của nền kinh tế”, Tổng thư ký Mathias Corman lưu ý.

Trong khi triển vọng kinh tế có sự khác biệt giữa các nền kinh tế lớn, lạm phát đang hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến ​​kể từ tháng 11 ở cả Mỹ và khu vực đồng euro. Điều này được dự báo sẽ mở đường cho động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), có thể diễn ra ngay trong quý II tới, và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong quý III sau đó.

Tuy nhiên, OECD cũng cảnh báo, các cuộc tấn công vào tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát, mặc dù ở mức khiêm tốn. Theo OECD, kế hoạch sản xuất đã bị gián đoạn ở châu Âu, đặc biệt là đối với các công ty chế tạo ô tô. Ước tính, nếu chi phí vận chuyển tiếp tục tăng 100%, giá tiêu dùng có nguy cơ tăng thêm 0,4 điểm phần trăm sau khoảng 1 năm.

Thu Hoài/VOV1 (biên dịch)
Theo Reuters