Quay lại

Những sản phẩm của châu Âu có thể bị Trung Quốc áp thuế quan trả đũa

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, khác với trong cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn với Mỹ - khi hai bên ồ ạt áp thuế quan trừng phạt lên một danh sách dài các hàng hoá xuất khẩu của nhau - Trung Quốc trong mâu thuẫn với EU có thể sẽ lựa chọn các biện pháp có mục tiêu cụ thể hơn, tương tự như cách họ đã làm với Australia mấy năm trước. Truyền thông nhà nước và các cơ quan hữu quan của Trung Quốc cũng đã không khai “điểm danh” những sản phẩm cụ thể của châu Âu có thể bị Bắc Kinh áp thuế.

Dưới đây là một số sản phẩm của châu Âu có thể sẽ phải hứng chịu những đòn thuế quan trả đũa khắc nghiệt nhất từ phía Trung Quốc:

RƯỢU BRANDY

Sản phẩm đầu tiên của châu Âu lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc là rượu brandy. Hồi tháng 1, Trung Quốc đã công bố một cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào mặt hàng này của châu Âu, và cuộc điều tra có thể kéo dài trong 1 năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc có thể công bố thuế quan sơ bộ bất kỳ thời điểm nào, tương tự như những gì họ đã làm khi điều tra rượu vang Australia.

Thực phẩm và nông sản thường là mục tiêu để áp các rào cản thương mại. Trước đây, Bắc Kinh đã từng nhằm vào những mặt hàng không thiết yếu hoặc có thể tìm nguồn từ nơi khác, nhưng Trung Quốc phải là thị trường xuất khẩu lớn cho những mặt hàng đó. Cách lựa chọn như vậy đồng nghĩa rằng thiệt hại đối với người tiêu dùng Trung Quốc là thấp nhưng tác động đối với nhà sản xuất có thể cao.

Rượu brandy phù hợp với tính toán như vậy. Người tiêu dùng ở Trung Quốc luôn có thể tìm giải pháp thay thế cho rượu brandy, nhưng tác động đối với Pháp - một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc điều tra của EU nhằm vào ô tô điện Trung Quốc - sẽ không nhỏ. Theo dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu brandy lớn thứ hai của Pháp vào năm 2023.

THỊT LỢN

Cách đây ít hôm, Trung Quốc công bố một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lơn nhập khẩu từ châu Âu. Nếu cuộc điều tra này dẫn đến việc áp thuế quan, tác động sẽ tập trung vào các quốc gia cung cấp thịt lơn hàng đầu của châu Âu như Tây Ban Nha, Đan Mạch và Hà Lan. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn thứ hai của Tây Ban Nha trong năm 2023.

Cũng như đối với rượu brandy, tác động lên Trung Quốc khi nước này áp thuế quan lên thịt lợn châu Âu có thể chỉ ở mức độ hạn chế. Trung Quốc chủ yếu dựa vào nguồn cung thịt lợn trong nước và có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác như Brazil và Mỹ nếu cần, hạn chế được nguy cơ thiếu hụt nguồn cung hoặc giá cao.

Trong các tranh chấp trước đây, Trung Quốc luôn cố gắng cho thấy các biện pháp trừng phạt thương mại mà nước này áp dụng tuân thủ đúng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chẳng hạn, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu gỗ từ Australia với lý do phát hiện sâu bệnh, hoặc đánh thuế rượu vang và lúa mạch từ Australia trên cơ sở cáo buộc về bán phá giá và trợ cấp. Có vẻ như với châu Âu hiện nay, Trung Quốc đang đi theo con đường tương tự.

RƯỢU VANG

Một bài viết trên truyền thông nhà nước Trung Quốc vào tháng trước đã đề cập rằng rượu vang là một sản phẩm có thể bị nhắm tới, bên cạnh các sản phẩm từ sữa và máy bay.

Pháp là nước châu Âu xuất khẩu nhiều rượu vang nhất sang Trung Quốc, do đó, thiệt hại một lần nữa sẽ tập trung vào Pháp, và tiếp đến là các quốc gia vùng Địa Trung Hải.

Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng tìm được các nhà cung cấp rượu vang khác để thay thế  khác nếu áp thuế quan hoặc hạn chế rượu vang nhập khẩu từ châu Âu. Rượu vang Australia đã quay trở lại thị trường Trung Quốc sau khi được Bắc Kinh dỡ bỏ thuế quan vào tháng 3 năm nay. Thị trường rượu vang toàn cầu hiện đang trong tình trạng dư thừa lịch sử, đồng nghĩa các nhà sản xuất ở nơi khác sẽ nhanh chóng lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào. Chưa kể, lượng nhập khẩu rượu vang của Trung Quốc đã giảm trong nhiều năm trở lại đây.

Ô TÔ

Hồi tháng trước, Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU ám chỉ rằng ô tô nhập khẩu có động cơ lớn có thể là một mục tiêu khác để Bắc Kinh trả đũa. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc vào tuần này, một số công ty ô tô Trung Quốc đã đề nghị Chính phủ tăng thuế đối với ô tô có động cơ lớn của châu Âu.

Nếu thuế quan chỉ được áp dụng đối với các hãng xe châu Âu, thì ảnh hưởng chủ yếu sẽ rơi vào Đức và Slovakia. Trong trường hợp thuế quan được áp trên diện rộng, các hãng xe Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ chịu tác động bất lợi.

Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu ô tô chở người xuống còn 15% vào năm 2018 như một phần trong nỗ lực ban đầu nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Theo ông Brad Setser, cựu cố vấn tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, việc đưa mức thuế trở lại ngưỡng 25% vẫn sẽ thuộc phạm vi quy định của WTO.

Trong các cuộc chiến thương mại trước đây, Bắc Kinh đã thể hiện sẵn sàng sử dụng thuế ô tô như một công cụ. Trung Quốc đã tăng thuế quan đối với ô tô Mỹ lên 40% dưới thời Tổng thống Donald Trump, trước khi cắt giảm trở lại.

Hầu hết ô tô nhập khẩu từ châu Âu vào Trung Quốc đến từ các nhà sản xuất xe sang như Porsche, Mercedes-Benz Group AG hay BMW AG. Mặc dù người tiêu dùng Trung Quốc sẽ khó tìm giải pháp thay thế hơn so với trường hợp thực phẩm nhập khẩu, nhưng họ cũng có một số lựa chọn cao cấp khác - bao gồm cả ô tô điện đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa.

SẢN PHẨM TỪ SỮA

Các sản phẩm sữa đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc coi là một trong những mục tiêu có thể nhắm tới. Đó là một lĩnh vực nữa mà Trung Quốc không quá phụ thuộc vào nhập khẩu và có thể dễ dàng tìm nguồn cung thay thế từ các quốc gia khác.

New Zealand cung cấp khoảng một nửa lượng sữa nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi 1/3 khác đến từ EU. Đan Mạch, Hà Lan, Đức và Pháp đều sẽ bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc áp thuế quan lên sữa từ EU. Tuy nhiên, nhập khẩu sữa của Trung Quốc đã giảm trong những năm gần đây do sản xuất trong nước tăng và tiêu thụ sữa ở nước này cũng yếu hơn khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

MÁY BAY

Máy bay đã được đề cập đến như một mục tiêu khả thi khác cho việc Trung Quốc trả đũa thương mại đối với EU, nhưng do thế giới chỉ có hai nhà cung cấp máy bay chở khách cỡ lớn là Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ, nên khả năng này là thấp.

Nếu thuế quan nhắm vào Airbus - tập đoàn có trụ sở tại Pháp - Trung Quốc sẽ chỉ còn lại một nhà cung cấp là Boeing. Việc phụ thuộc nhiều hơn vào một công ty Mỹ có lẽ không phải là điều mà  Bắc Kinh mong muốn, đặc biệt là trước nguy cơ căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng nếu ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới. Hơn nữa, Boeing đang gặp hàng loạt vấn đề về an toàn, trong khi Airbus có lắp ráp một số máy bay ở Trung Quốc nên Chính phủ Trung Quóc có thể sẽ không muốn trừng phạt hãng này.

Trên thực tế, các hãng hàng không Trung Quốc được cho là đang đàm phán để mua hơn 100 máy bay thân rộng từ Airbus. Những hợp đồng này có thể trở thành “củ cà rốt” hữu ích của Trung Quốc trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về thuế ô tô điện với EU, bên cạnh tất cả các “cây gậy” mà Bắc Kinh đang có.

Nguồn: TBKTVN