Quay lại

Ngành nông nghiệp vẫn kiên định với mục tiêu 53 - 54 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản

Tại buổi họp báo thông tin về kết quả của ngành nông nghiệp quý 3/2023, ngày 29/9, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: "Năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 53 - 54 tỷ USD".

GẦN 98% MẪU NÔNG SẢN ĐẠT AN TOÀN THỰC PHẨM
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3 quý, cả nước gieo cấy được 6.855,3 nghìn ha lúa, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, đã thu hoạch 5.366,8 nghìn ha lúa, giảm 1,1% với năng suất bình quân đạt 62,6 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha; sản lượng thu hoạch 33,6 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với chăn nuôi, nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt. Tổng đàn vật nuôi và sản lượng thịt đều tăng: Sản lượng thịt hơi trâu hơi xuất chuồng đạt 90,6 nghìn tấn, tăng 0,1%; thịt bò hơi xuất chuồng đạt 373,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sữa bò tươi đạt 892,5 triệu lít, tăng 3,4%; đàn lợn tăng 4,2%, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 3.632,9 nghìn tấn, tăng 6,8%; đàn gia cầm, tăng 3,5%; sản lượng thịt ước đạt 1.737,2 nghìn tấn, tăng 6,0%; trứng ước đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6%.

Trong 9 tháng của năm 2023, xảy ra 21/22 loại hình thiên tai làm 104 người chết, mất tích; 106 người bị thương; 94.157 ha lúa, hoa màu; 25.895 con gia súc, gia cầm; 465 ha diện tích thủy sản bị thiệt hại... Tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay là trên 5.700 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực thủy sản, thị trường xuất khẩu thủy sản quý 3 bắt đầu có sự khởi sắc, tạo động lực cho người nuôi thả nuôi mới; khai thác biển cơ bản giữ ổn định do thời tiết thuận lợi. Sản lượng thu hoạch thủy sản tháng 9/2023 đạt 857,7 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đạt 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm: tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát đạt yêu cầu 97,8%, tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 99,3%, giảm 0,2%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 89%, tăng 14%.

Xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 9/2023, cả nước có 6.043/8.167 xã (74%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 1.528 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 230 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, đã có 20 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 265 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 41,1% số huyện cả nước).

Trong tháng 9/2023, cả nước đã xảy ra 15/22 loại hình thiên tai làm 11 người chết, 3 người mất tích, 14 người bị thương; 1.874 ha lúa, hoa màu thiệt hại; 888 con gia súc, gia cầm bị chết, 280 ha diện tích thủy sản bị ngập... thiệt hại kinh tế khoảng 275,2 tỷ đồng.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN GIẢM trên 5%
Về tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, trong 9 tháng năm 2023 ước đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỷ USD, xuất siêu 8,04 tỷ USD tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 9/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,8 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng 8/2023 và tăng 22% so với tháng 9/2022. Trong đó, nhóm nông sản 2,45 tỷ USD, tăng 46,9% so với T9/2022; chăn nuôi 45,3 triệu USD, tăng 32,6%; lâm sản 1,28 tỷ USD, tăng 7,3%; thủy sản 850 triệu USD, giảm 0,8%; đầu vào sản xuất 166,5 triệu USD, giảm 5,5%.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thuỷ sản 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%.

Xuất khẩu nhóm nông sản 9 tháng ghi nhận đóng góp cao bởi giá trị xuất khẩu  hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng cao: nông sản đạt 19,54 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 16,7% và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính giảm: Cao su 1.335 USD/tấn, giảm 18,7%; Chè 1.711 USD/tấn, giảm 2,3%; Hạt điều 5.722 USD/tấn, giảm 4,5%; Hồ tiêu 3.309 USD/tấn, giảm 25,1%; sắn và sản phẩm từ sắn 420 USD/tấn, giảm 4,8%... Riêng giá gạo 553 USD/tấn, tăng 14% (có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn) và cà phê 2.499 USD/tấn, tăng 9,9%.

Về thị trường 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 18,71 tỷ USD, tăng 4,9%; châu Mỹ 8,73 tỷ USD, giảm 22,5%; châu Âu 4,17 tỷ USD, giảm 11,2%; châu Phi 809 triệu USD, tăng 18,8%; châu Đại Dương 570 triệu USD, giảm 18,6%. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8%; Hoa Kỳ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%.

MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG GDP NÔNG NGHIỆP 3-3,5%

Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: Năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 53 - 54 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42,0%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%.

Đề cập các giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực thi trong quý 4, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết sẽ chỉ đạo Cục Trồng trọt theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp,  đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật. 

Đối với chăn nuôi, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn... trên các đối tượng vật nuôi.

Ngành thủy sản tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Chuẩn bị nội dung để tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu trong tháng 10/2023.

Đề cập nhiệm vụ phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ nông sản thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu... Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Về thị trường trong nước, sẽ theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng phương án chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước các dịp lễ cuối năm.

Tháng 10 và tháng 11, dự báo thiên tai mưa bão, ngập lụt sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn; chỉ đạo ứng phó kịp thời, hỗ trợ các cấp chính quyền và người dân chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão tại các tỉnh miền Trung. Tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ; ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Nguồn: TBKTVN