Lần đầu tiên Việt Nam có hệ thống truy xuất “dấu chân” trái thanh long
Ngày 17/8/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đồng tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) của Việt Nam”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UNDP phối hợp thực hiện.
TRUY XUẤT DẤU CHÂN CARBON TRONG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN
Tại hội thảo, lần đầu tiên UNDP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu mô hình về một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon của từng trái thanh long được sản xuất tại Bình Thuận.
Với hệ thống này, người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long từ vùng sản xuất trọng điểm Bình Thuận, có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng để sản xuất ra trái cây này một cách minh bạch nhất.
Dấu vết carbon trong sản xuất thanh long
Theo đó, các thiết bị thông minh tự động đo lượng khí phát thải khí carbon được lắp đặt tại từng vườn trồng, cập nhật lên không giang mạng, cho phép theo dõi và thống kê dấu chân carbon theo thời gian thực. Không chỉ dừng lại ở đó, công nghệ này còn phân tích, để đưa ra các giải pháp để giảm phát thải carbon trong sản xuất, vận chuyển nông sản.
Cụ thể, cải thiện hiệu quả sử dụng điện chiếu sáng – chuyển từ bóng Compact sang đèn Led giúp giảm tới 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng. Trồng xen cây thân gỗ tại các bờ bao, đường ranh giới, các khoảng trống trong vườn thanh long, đã giúp hấp thu khí carbon do cây thanh long thải ra. Ước tính trồng 100-300 cây thân gỗ/ha, hấp thụ được 0,9 – 2,8 tấn CO2/ha/năm, tương đương giảm 20-45% lượng phát thải tại trang trại.
Đến nay, đã có 99 vườn trồng của nông dân thuộc 4 hợp tác xã tại Bình Thuận (HTX Thanh long Hoà Lệ, HTX Hàm Minh, HTX Thuận Tiến, Công ty Phúc Hà) đã được cấp tài khoản tham gia hệ thống này.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, đây là một công cụ quan trọng để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, thường là nơi đang tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận về nhiều chủ đề: Sự cần thiết phải đo lường và giảm phát thải trong trồng lúa; một số mô hình nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số; sự cần thiết của các giải pháp số hóa theo tiêu chuẩn để phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi; tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; sự hợp tác giữa chính phủ và các tổ chức quốc tế để xây dựng dữ liệu phục vụ phát triển xanh và bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam…
XÂY DỰNG KIẾN TRÚC DỮ LIỆU NỀN TẢNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, diện tích canh tác nhỏ; doanh nghiệp nông nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số. Vì vậy, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, doanh nghiệp. Quy mô ứng dụng chuyển đổi số cần phải được mở rộng và đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương.
Thứ trưởng Hoàng Trung phát biểu khai mạc hội thảo.
“Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam bày tỏ sự tự hào được hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đầu tư vào một số giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và bền vững trong ngành nông nghiệp.
“Chúng tôi rất vui khi hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon được số hóa đã được thiết lập cho hai mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là thanh long và tôm. Công cụ này rất cần thiết đối với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng để hoạt động trong một nền kinh tế xanh, nơi mà việc tuân thủ các chuẩn mực "xanh" và tiêu chuẩn "xanh" là điều được yêu cầu như một xu hướng mới”, ông Patrick Haverman thông tin.
Đề cập về xu hướng số chuyển dịch nền kinh tế, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng người tiêu dùng thông minh quan tâm đến sức khỏe, minh bạch, giá trị xã hội, không gian tương tác. Do đó, vùng nông thôn sẽ là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số.
Theo ông Toản, ứng dụng số vào nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ được mở ra nhiều hướng.
Một là, sử dụng các công nghệ số hóa như cảm biến, hệ thống giám sát tự động, trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và điều chỉnh quy trình sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
Hai là, sử dụng dữ liệu thu thập từ các cảm biến để dự đoán thời tiết, khuyến nghị giống cây, quản lý tình trạng sức khỏe của cây trồng, phòng trừ dịch bệnh.
Ba là, tích hợp chuỗi cung ứng, sử dụng các nền tảng công nghệ để tạo liên kết giữa người nông dân, nhà máy chế biến, thị trường và người tiêu dùng.
Bốn là, ứng dụng công nghệ số vào đào tạo để nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ, từ việc sử dụng các ứng dụng di động đơn giản cho đến quản lý các hệ thống phức tạp hơn như trí tuệ nhân tạo và blockchain.
Năm là, hình thành hệ thống dịch vụ trực tuyến: các nền tảng trực tuyến cho việc mua bán sản phẩm nông nghiệp, tư vấn nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin.
Sáu là, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp trong chuyển đổi số.
Bảy là, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức nghiên cứu và đầu tư viên tham gia vào phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Tám là, ứng dụng công nghệ số để quản lý tài nguyên nước, đất đai và rừng nguyên liệu một cách hiệu quả, theo dõi và đánh giá tác động của hoạt động nông nghiệp đối với môi trường.
Do đó, ông Toản cho rằng cần phải xây dựng hệ thống kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chuyển đổi sang một cách tiếp cận mới lấy dữ liệu làm trung tâm để cho phép tích hợp hệ thống và các phần mềm trong cùng một nền tảng đồng bộ nhằm tạo ra sự cộng hưởng hiệu quả.
Nguồn: TBKTVN