Quay lại

Khoảng cách về tài trợ thương mại đang cản trở các nền kinh tế đang phát triển

Không có gì ngạc nhiên khi những quốc gia đã đạt được mức tăng trưởng cao bền vững và giảm nghèo mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây phần lớn đều là nhờ vào thương mại quốc tế. Một thực tế ít được chú ý hơn là nếu không có tài trợ thương mại – hoạt động cung cấp vốn lưu động cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu để giúp họ giảm thiểu các rủi ro thanh toán vốn có trong các giao dịch quốc tế - thì thương mại xuyên biên giới sẽ sụt giảm xuống mức nhỏ giọt.

Một lý do giải thích tại sao tài trợ thương mại lại bị xem nhẹ ở các nền kinh tế phát triển là bởi tại đây, nguồn tài chính này luôn sẵn có với chi phí hợp lý. Nhưng điều tương tự không xảy ra ở các nền kinh tế thu nhập thấp, nơi các ngân hàng nước ngoài không sẵn lòng tham gia thị trường ngay cả vào những thời điểm thuận lợi nhất. Trong bối cảnh các quy định pháp luật ngày càng được xiết chặt – hướng tới các mục tiêu về an toàn vốn, phòng chống rửa tiền và thực thi các biện pháp trừng phạt – sức hấp dẫn của những thị trường này ngày càng giảm.

Hệ quả là đã có sự chênh lệch lớn về khả năng tiếp cận tài trợ thương mại giữa các quốc gia và giữa các doanh nghiệp. Một nghiên cứu mới đây do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phối hợp thực hiện cho thấy, tối đa chỉ có 25% kim ngạch thương mại ở Tây Phi và khu vực Mê-kông nhận được tài trợ thương mại, so với 60-80% ở các nền kinh tế tiên tiến.

Khi các công ty ở Tây Phi tìm cách tiếp cận nguồn vốn tài trợ thương mại, các mức lãi suất họ được chào cao hơn nhiều so với mức lãi suất thông thường, mặc dù tài trợ thương mại thường được coi là có rủi ro thấp vì hàng hóa đang được vận chuyển có thể được xem là tài sản thế chấp. Mức chênh lệch so với các mức lãi suất thông thường trong nước lên tới từ 4-10 điểm phần trăm đối với các tập đoàn lớn và từ 7-17 điểm phần trăm đối với các doanh nghiệp nhỏ, trong khi mức chênh lệch này chỉ là khoảng 1 điểm phần trăm hoặc thấp hơn đối với các doanh nghiệp ở các nền kinh tế tiên tiến.

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á, ở các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển, khoảng cách giữa cung và cầu về tài trợ thương mại lên đến khoảng 2.500 tỷ USD. Khoảng cách này lớn nhất đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, vốn thường hay bị từ chối cấp vốn tài trợ thương mại hơn nam giới. Tuy nhiên, nhiều giao dịch thương mại khả thi cũng có thể đã bị từ chối tài trợ.

Thu hẹp khoảng cách tài trợ thương mại sẽ không chỉ mang lại lợi ích lớn cho thương mại toàn cầu mà còn giúp các quốc gia tạo việc làm, giảm nghèo và đảm bảo khả năng tiếp cận những hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và thuốc men. Các nhà kinh tế của WTO ước tính việc mở rộng tài trợ thương mại từ 25% lên 40% - một kịch bản hoàn toàn thực tế - sẽ giúp gia tăng các dòng chảy thương mại trung bình hàng năm thêm 8%. Khi các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và những doanh nghiệp khác được tiếp cận với các mạng lưới sản xuất và thương mại toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, thương mại thế giới sẽ trở nên đa dạng, năng động và bao trùm hơn.

Có 3 giải pháp chính để mở rộng tài trợ thương mại cho những đối tượng cần nguồn vốn này. Đầu tiên là phát triển và tăng cường hiểu biết cụ thể hơn về hệ sinh thái tài trợ thương mại ở các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển.

Tháng 12/2023, IFC và WTO đã công bố "Báo cáo chung WTO-IFC: Tài trợ thương mại ở khu vực Mekong" - sử dụng kết quả khảo sát các ngân hàng ở ba nền kinh tế thuộc khu vực hạ lưu vực sông Mê Kông – Việt Nam, Campuchia, và Lào để nghiên cứu đánh giá sự thiếu hụt tài trợ thương mại ở các quốc gia này và gợi ý các giải pháp để mở rộng tài trợ thương mại, phân tích những cơ hội từ tài trợ thương mại để thúc đẩy thương mại, tăng trưởng, và cải thiện sinh kế cho người dân.

Ngày 22/2/2024, tại Hà Nội, nhóm tác giả báo cáo đến từ IFC và WTO có buổi thảo luận với đại diện các nhà hoạch định chính sách của chính phủ cũng như các ngân hàng thương mại về các cơ hội mở rộng tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu trong nước tăng cường giao thương quốc tế với sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các ngân hàng.

Nghiên cứu gần đây của IFC-WTO cho thấy trong số tất cả các doanh nghiệp có thể tham gia thương mại, chỉ một phần nhỏ cố gắng nhận được tài trợ thương mại từ ngân hàng. Những doanh nghiệp còn lại thấy nản lòng trước viễn cảnh chi phí cao và yêu cầu về tài sản thế chấp, cũng như bởi đã từng bị từ chối trước đây. Một nghiên cứu của IFC-WTO năm 2022 cho thấy, ở Tây Phi, chỉ những nhà xuất khẩu và nhập khẩu có uy tín mới có thể tiếp cận được tài trợ thương mại.

IFC và WTO đang giải quyết những vấn đề này thông qua hoạt động đào tạo cho các ngân hàng và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở các nền kinh tế đang phát triển để phổ biến kiến thức về những giải pháp tài trợ thương mại hiện có, cũng như nỗ lực tháo gỡ các rào cản như yêu cầu tài sản thế chấp quá mức và những nhận thức tiêu cực về rủi ro tín dụng, để cuối cùng sẽ có nhiều hồ sơ yêu cầu tài trợ thương mại hơn được chấp thuận. Báo cáo chung mới nhất của chúng tôi phân tích cụ thể về nỗ lực này tại Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Việt Nam.

Giải pháp thứ hai cần phải làm là tăng cường hỗ trợ thương mại ở các nước thu nhập thấp thông qua tài trợ và bảo lãnh. Trong đại dịch COVID-19, các chương trình tài trợ thương mại của IFC đã cho phép nhiều ngân hàng trong nước hỗ trợ xuất nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiều hàng hóa thiết yếu khác tại những quốc gia mà các ngân hàng nước ngoài đã không còn hoạt động. Trong năm tài chính vừa qua, IFC đã hỗ trợ 16 tỷ USD cho các dòng thương mại thiết yếu, thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức về rủi ro và những rủi ro trong thực tế khi cung cấp tài trợ thương mại ở các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển.

Bên cạnh tài trợ vốn, hoạt động hỗ trợ có thời hạn từ các tổ chức như IFC có thể cung cấp những bí quyết rất hữu hiệu cho các ngân hàng ở các nền kinh tế đang phát triển, giúp họ tự tin trong hoạt động cung cấp tài trợ thương mại cho những doanh nghiệp vốn chưa được tiếp cận nhiều các dịch vụ ngân hàng ngay tại thị trường trong nước. Mở rộng hợp tác về tài trợ thương mại sẽ thúc đẩy những nỗ lực không ngừng của các ngân hàng phát triển đa phương và tổ chức tài chính phát triển.

Giải pháp thứ ba là thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Thương mại theo chuỗi cung ứng chiếm một nửa tổng thương mại toàn cầu và 2/3 tổng thương mại quốc tế đối với Campuchia và Việt Nam nhưng tài trợ thương mại cho hoạt động này lại chỉ chiếm 2% tổng vốn tài trợ thương mại được cung cấp trong nước tại Việt Nam và hầu như không có hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng nào sẵn có tại Campuchia. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất địa phương ở cấp thấp hơn tại những thị trường chưa phát triển này phải chịu áp lực tài chính đáng kể khi tham gia hoạt động thương mại.

IFC hiện đang nỗ lực giải quyết vấn đề này: vào năm 2022, IFC đã xây dựng một chương trình nhằm tăng cường tài trợ chuỗi cung ứng cho các nhà cung cấp ở thị trường mới nổi. Các tổ chức tài chính phát triển khác và các tổ chức tài chính khu vực tư nhân có thể và nên làm tương tự.

Thương mại và tài trợ chuỗi cung ứng đã âm thầm nâng cao mạnh mẽ mức sống trong những thập kỷ gần đây. Chỉ với một vài thay đổi quan trọng, hoạt động này có thể giúp nhiều nền kinh tế cất cánh hơn, thúc đẩy sinh kế của người dân – cũng như thúc đẩy tăng trưởng của  nền kinh tế toàn cầu.

-----

(*) Bà Ngozi Okonjo-Iweala là Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Ông Makhtar Diop là Giám đốc Điều hành của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC. Bản quyền: Project Syndicate, năm 2023.