Quay lại

IMF cảnh báo thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ

Nhân vật số 2 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi Mỹ tìm cách giảm bớt thâm hụt ngân sách đang ở mức khổng lồ của nước này, cho rằng tăng trưởng kinh tế đang mạnh mang lại cho Washington nhiều dư địa để kiềm chế chi tiêu và tăng thuế.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Financial Times, Phó tổng giám đốc thứ nhất Gita Gopinath của IMF nói rằng đã đến lúc các nền kinh tế phát triển “đầu tư cho việc tích luỹ tài khoá” và lên kế hoạch để đưa mức nợ công trở lại ngưỡng trước đại dịch Covid-19. “Đối với Mỹ, chúng tôi nhận thấy có nhiều dư địa để giảm thâm hụt tài khoá, một phần bởi nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh”, bà Gopinath nói.

Khuyến nghị này được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư lo ngại rằng nhiều năm chính sách tài khoá nới lỏng mà cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà theo đuổi đang nuôi dưỡng những vấn đề nan giải đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), cơ quan giám sát tài khoá của Chính phủ liên bang, dự báo vào năm 2029, tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này sẽ vượt qua đỉnh cao trước đây thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cơ quan này cũng dự báo thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ dao động trong khoảng 5,2-6,3% GDP trong vòng 10 năm tới nếu các kế hoạch kinh tế của Quốc hội Mỹ vẫn giữ nguyên như vậy.

“Sức cám dỗ của việc chi tiêu hoàn toàn bằng tiền đi vay chính là điều mà các quốc gia nên tránh”, bà Gopinath nói.

Trong báo cáo Theo dõi Tài khoá (Fiscal Monitor) công bố hồi tháng 4, IMF dự báo thâm hụt tài khoá của Mỹ trong năm tới sẽ là 7,1% GDP, cao gấp hơn 3 lần so với mức bình quân 2% của các nền kinh tế mới nổi khác. Định chế có trụ sở ở Washington DC cảnh báo thâm hụt ngân sách của cả Mỹ và Trung Quốc đặt ra “rủi ro lớn” đối với nền kinh tế thế giới.

Bà Gopinath đánh giá cao những cải cách tài khoá mới nhất của khu vực eurozone mà khối sử dụng đồng tiền chung nhất trí vào tháng 12 năm ngoái, nhưng nói rằng việc thực thi các biện pháp cải cách này mới là điều thực sự quan trọng.

Nhiều chuyên gia dự báo năm 2025 sẽ là một năm nhiều thách thức đối với Mỹ về mặt triển vọng tài khoá. Cựu Tổng thống Donald Trump đã cam kết rằng nếu tái đắc cử ông sẽ đưa chương trình cắt giảm thuế vào năm 2017 của ông trở thành chính sách vĩnh viễn. Về phần mình, Tổng thống Joe Biden đến nay chưa thể cắt giảm được chi tiêu khỏi mức cao kỷ lục. Điều này có nghĩa là dù ông Trump hay ông Biden là Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tiếp theo, thâm hụt ngân sách của Mỹ đều có thể tiếp tục tăng mạnh.

Theo bà Gopinath, các nền kinh tế phát triển “không thể né tránh” sự thật rằng họ cần phải có những cải cách căn cơ cho hệ thống lương hưu và chi tiêu y tế khi dân số trở nên lão hoá. “Đó sẽ là một vấn đề đặc biệt quan trọng”, bà nói.

Dù chính quyền của ông Biden chưa kiềm chế được chi tiêu y tế và phúc lợi xã hội, bà Gopinath có hàm ý rằng IMF ủng hộ các nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thu thêm thuế của người giàu. “Chúng tôi nhận thấy một số quốc gia có dư địa để đánh thêm thuế luỹ tiến”, bà Gopinath phát biểu, và nói thêm rằng thuế tài sản gia tăng và thuế thừa kế cũng cần được thực thi hiệu quả hơn.

Phó tổng giám đốc IMF cảnh báo việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh “có thể làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo” cho dù công nghệ này có thể làm gia tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của IMF cho thấy AI có thể đặt 30% số công ăn việc làm tại các nền kinh tế phát triển vào tình thế rủi ro. Đối với các nền kinh tế mới nổi và các nước thu nhập thấp, tỷ lệ tương ứng là 20% và 18%.

Bà Gopinath nói các quốc gia này nên xem lại cách hỗ trợ người lao động ở những công việc bị thay thế bởi máy móc. “Chúng tôi thực sự nghĩ rằng sự hào phóng của bảo hiểm thất nghiệp có thể cao hơn ở một số quốc gia”, bà phát biểu và nói thêm rằng bảo hiểm tiền lương để lấp đầy khoảng cách giữa mức lương cũ và mới của người lao động cũng có thể là một cách làm hiệu quả.

Nguồn: TBKTVN