Quay lại

Hội nghị Trung ương 3 Trung Quốc bế mạc: Không có biện pháp kích cầu mới

Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX vừa kết thúc với nhiều nội dung quan trọng định hình nền kinh tế trong 5 năm tới.

Theo thông báo kết luận sơ bộ hội nghị, Trung Quốc sẽ cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu an ninh quốc gia trong bối cảnh đối mặt ngày càng nhiều bất ổn, với một loạt các mục tiêu cải cách tới năm 2029 - thời điểm kỷ niệm 80 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trên thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc ít khi đặt ra thời hạn cụ thể cho các chương trình cải cách đất nước.

Theo tờ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, như thường lệ, các nội dung trong thông cáo kết luận hội nghị được viết ngắn gọn và mơ hồ. Thông cáo đầy đủ của hội nghị sẽ được công bố vào tuần tới. Tuy nhiên, thông cáo sơ bộ vẫn cung cấp nhiều thông tin chi tiết về chủ trương cũng như định hướng chính sách của các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.

CẦN HOÀN THÀNH CẢI CÁCH SÂU RỘNG, DÙ CÓ ĐAU THƯƠNG

Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa này diễn ra muộn hơn so với thường lệ, cho thấy bối cảnh phức tạp và nhiều thách thức mà Trung Quốc đang đối mặt.

Tăng trưởng kinh tế sụt tốc trong bối cảnh thị trường bất động sản và thị trường tài chính suy thoái khiến niềm tin của công chúng suy giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng, còn mối quan hệ với các đối tác thương mại lớn như châu Âu và Nhật diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.

Do đó, nhiều người kỳ vọng rằng, sau hội nghị này, Bắc Kinh sẽ công bố những thay đổi quan trọng để hồi sinh nền kinh tế. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, thông báo kết luận hội nghị không có nhiều điểm bất ngờ. 

“Điều này phản ánh thực tế rằng các nhà lãnh đạo hàng đầu đánh giá Trung Quốc cần hoàn tất việc tái cơ cấu nền kinh – dù có đau thương – hơn lại các biện pháp giải quyết nhanh chóng các vấn đề của nền kinh tế”, tờ SCMP nhận định.

Tuy nhiên, thông cáo hội nghị thừa nhận những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt. Thay vì tập trung vào các mục tiêu dài hạn như thường lệ, thông cáo nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải “kiên định phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm nay”.

Bắc Kinh trước đó đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 “khoảng 5%, nhưng dữ liệu kinh tế nửa đầu năm kém hơn dự báo khiến nhiều ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs tỏ ra hoài nghi về mục tiêu này.

Thông báo cũng nhấn mạnh yêu cầu các đảng viên “tuyệt đối tuân thủ các quyết định về kinh tế của lãnh đạo đảng, chủ động hành động để kích thích tiêu dùng trong nước và tạo động lực mới để thúc dẩy xuất nhập khẩu”.

Ông Lian Ping, tổng giám đốc Diễn đàn Các nhà kinh tế trưởng Trung Quốc, cho rằng việc đề cập tới các mục tiêu tăng trưởng của năm nay trong thông cáo Hội nghị Trung ương 3 có thể mang chủ đích kêu gọi tập hợp sức mạnh tập thể.

“Tôi tin rằng nội dung này sẽ không sẽ không xuất hiện trong thông cáo đầy đủ được công bố vào tuần sau. Các nhà lãnh đạo muốn tận dụng cơ hội này để sửa chữa kết quả gây thất vọng trong quý 2 năm nay”, ông Lian nói.

Đồng quan điểm, công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng việc thông cáo bất ngờ đề cập tới triển vọng ngắn hạn cho thấy “sự lo lắng”.

“Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lo lắng. Điều này đồng nghĩa rằng chúng ta có thể sẽ thấy những động thái can thiệp chính sách quyết liệt hơn từ cuộc họp của Bộ Chính trị vào cuối tháng này”, một báo cáo của Trivium China nhận định.

NĂM 2029 - THỜI HẠN RÕ RÀNG CHO MỤC TIÊU CẢI CÁCH

Ngoài nội dung trên, phần lớn các nội dung còn lại của báo cáo tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải cách sâu rộng trên tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có nền kinh tế, đất nông thôn, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia, chống tham nhũng và phát triển văn hóa.

Từ “cải cách” xuất hiện 53 lần trong thông cáo. Khác với ở phương Tây – nơi “cải cách” thường ám chỉ sự tự do hóa, tại Trung Quốc, từ ngày đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả điều hành.

Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành các cải cách sâu rộng đất nước vào năm 2029 - Ảnh: Getty Images

Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành các cải cách sâu rộng đất nước vào năm 2029 - Ảnh: Getty Images

Ông Lian cũng tỏ ra lạc quan khi thông cáo đề cập tới việc giải quyết các vấn đề tồn đọng lâu như cải cách thuế.

“Điều quan trọng là thông cáo đưa ra một thời hạn rõ ràng cho tất cả những cải cách này là vào năm 2029. Đây là điều rất mới so với các hội nghị trung ương 3 trước đây”, ông Lian nhận xét. “Trước đây, một số biện pháp cải cách cũng được đề cập, nhưng sau đó lặng lẽ được gác lại nếu không thể đạt được. Lần này, dường như các nhà lãnh đạo quyết tâm hơn để hoàn thành mục tiêu”.

Trung tâm của các cải cách lần này là đẩy nhanh phát triển khoa học và công nghệ - lĩnh vực được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng để dịch chuyển nền kinh tế. Hội nghị cũng kêu gọi đất nước cải cách sâu rộng vấn đề cung ứng, tích hợp tốt hơn nữa nền kinh tế số với nền kinh thực, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đại và củng cố sức chống chịu của chuỗi cung ứng công nghiệp.

Hội nghị cũng xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nền tảng để đạt được các mục tiêu.

“Chúng ta phải triển khai một cách triệt để và quyết liệt chiến lược trẻ hóa đất nước thông qua khoa học và giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giáo dục và đổi mới sáng tạo phải đi đôi với nhau”, thông cáo kết luận hội nghị nêu rõ.

Về kinh tế, thông cáo nhấn mạnh Trung Quốc tiếp tục đề cao vai trò của thị trường. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là thông cáo này đã loại bỏ cụm từ “thị trường là động lực quyết định của nền kinh tế”. Đây là cụm từ thường xuyên được sử dụng trong các thông cáo trước đây cũng như các báo cáo quan trọng của Bắc Kinh. Thay vào đó, thông cáo hội nghị nhấn mạnh yêu cầu duy trì trật tự thị trường, chấn chỉnh các vấn đề của thị trường. Điều này phản ánh mối lo ngại của Bắc Kinh về những rủi ro trong hệ thống tài chính.

Thông cáo cũng đề cập tới cam kết “hỗ trợ và hướng dẫn không ngừng” cho sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ cần đảm bảo “mọi hình thức sở hữu” trong nền kinh tế có thể cạnh tranh một cách công bằng và hợp pháp “trên cơ sở bình đẳng”. Yêu cầu kiểm soát rủi ro cũng được đề cập trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt “nhiều thách thức phức tạp cũng như những thay đổi nhanh chóng ở cả trong và ngoài nước”.

“Chúng ta phải thực hiện các biện pháp đúng đắn để ngăn chặn và giải quyết rủi ro trong những lĩnh vực quan trọng như bất động sản, nợ địa phương. Chúng ta phải đảm bảo các tổ chức tài chính tuân thủ nghiêm các hướng dẫn về an toàn”, thông cáo nêu rõ. “Chính phủ phải cải thiện năng lực dự báo và phòng ngừa thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Chúng ta cũng phải xây dựng một mạng lưới an ninh xã hội nhằm duy trì hiệu quả ổn định xã hội”.

Theo ông Xie Maosong, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chiến lược Đổi mới Và Phát triển Trung Quốc, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, đánh giá thông cáo kết luận hội nghị trung ương 3 lần này có sự “quyết liệt nhưng kiên nhẫn”.

“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nói rằng phần dễ dàng của công tác cải cách đã xong rồi, giờ đây chúng ta bắt đầu bước vào vùng nước sóng lớn. Đảng phải bước đi một cách thận trọng, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều rủi ro bên ngoài. Chúng ta cũng đang đụng chạm tới nhiều nhóm lợi ích", ông Xie nhận xét.

Nguồn: TBKTVN