Hà Nội, TP.HCM không nằm trong top 5 địa phương đang dẫn đầu cả nước về tỷ trọng kinh tế số trên GRDP
Thông tin bức tranh kinh tế số Việt Nam trong Báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỷ trọng Kinh tế số trên GRDP là 56,83%.
Đứng thứ 2 bảng xếp hạng là Thái Nguyên với tỷ trọng Kinh tế số trên GRDP 42,92%; tiếp đó là Bắc Giang (42,13%); Hải Phòng (29,48%); Vĩnh Phúc (22,87%); Đà Nẵng (19,76%). Tp.HCM và Hà Nội đứng thứ 6 và 7 xếp hạng với tỷ trọng tương ứng 18,66% và 17,15%.
Trên cả nước, chỉ có 17 tỉnh thành phố có tỷ trọng Kinh tế số trên GRDP trên 10%. Số địa phương theo từng nhóm tỷ trọng cụ thể có 5 địa phương trên 20%; 13 địa phương từ 10- 20%; 43 địa phương từ 5- 10%; có 2 địa phương dưới 5% là Bạc Liêu và Quảng Ngãi. 5 địa phương có tỷ trọng kinh tế số thấp nhất là Tây Ninh (5,78%); Tiền Giang (5,73%); Bình Thuận (5,16%); Bạc Liêu (4,87%) và Quảng Ngãi (4,21%).
Giữa tỉnh đứng đầu là Bắc Ninh (56,83%) so với Quảng Ngãi đứng cuối bảng (4,21%) có sự chênh lệch khá lớn, hơn 13 lần.
Bức tranh tỷ trọng kinh tế số trên GRDP các tỉnh thành phố cả nước.
Nhóm 5 tỉnh dẫn đầu về kinh tế số ICT với thế mạnh từ việc sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ lớn. Đa số các tỉnh, thành phố này nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước.
Theo báo cáo, kinh tế số ICT được đóng góp chủ yếu bởi các hoạt động chính như viễn thông; sản xuất điện tử, máy tính và lập trình máy tính.
Top 5 địa phương có doanh thu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính cao nhất là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc.
Trong khi đó, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bình Dương, Hải Phòng là 5 địa phương có doanh thu hoạt động viễn thông cao nhất.
5 địa phương có doanh thu hoạt động lập trình máy vi tính, tư vấn và các hoạt động liên quan đến máy vi tính cao nhất là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bình Định.
5 địa phương có doanh thu hoạt động bán buôn máy tính và thiết bị ngoại vi cao nhất là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Cần Thơ, Thái Nguyên là các tỉnh/thành phố có doanh thu hoạt động bán lẻ thiết bị công nghệ thông tin cao nhất.
Báo cáo cũng chỉ rõ 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về mức độ lan tỏa ICT trong các ngành, hoạt động kinh tế khác: Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế
5 tỉnh, thành phố ghi nhận mức độ lan tỏa ICT thấp nhất là Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bình Thuận.
Mức độ ứng dụng công nghệ số tăng trưởng mạnh nhất thuộc về nhóm các lĩnh vực dịch vụ. Cụ thể, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, khoảng 19%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội khoảng 16%; Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc khoảng 14%; Giáo dục và đào tạo là khoảng 13%.
Nông nghiệp mặc dù đóng góp tới 5,11% tổng GDP toàn quốc nhưng đóng góp trong ngành nông nghiệp chỉ vào khoảng 2,1%.
Nhóm các ngành, lĩnh vực có mức độ lan tỏa ICT thấp nhất là Khai khoáng; Xây dựng; Cung cấp nước, hoạt động quản lý vả xử lý rác thải, nước thải...
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, cho biết ước tính tỷ trọng kinh tế số trên GDP của cả nước năm 2021 là 11,91% và năm 2022 là 14,26%. Trong đó, kinh tế số ICT là trụ cột đóng góp chính với tỷ trọng đóng góp khoảng hơn 9% GDP và tác động lan tỏa của công nghệ số, ICT đóng góp vào các ngành, các lĩnh vực khác là 5%. Như vậy, tỷ lệ cơ cấu kinh tế số ICT trên kinh tế ngành lĩnh vực hiện nay đang khoảng 70:30), 70% cho kinh tế số ICT.
Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành lĩnh vực đạt 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030, nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành, lĩnh vực phải đạt khoảng 30-40%/năm và cơ cấu tỷ trọng sẽ là 30% kinh tế số ICT và 70% kinh tế ngành và lĩnh vực.
Nguồn: TBKTVN