Doanh nghiệp "hiến kế" thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Phát biểu khai mạc Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng: “Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hoá - một trong 12 ngành công nghiệp văn hoá đối với cộng đồng quốc tế”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo về thực tế phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Bộ trưởng cũng cho biết, về việc phát triển thị trường các ngành công nghiệp văn hóa: Nhiều địa phương đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động liên quan đến công nghiệp văn hóa tại các điểm có di sản, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập và thách thức đặt ra đối với phát triển công nghiệp văn hóa như: Còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.
Nguyên nhân là do việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm, do nguồn vốn chi cho đầu tư sáng tạo lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, nhỏ lẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cơ chế, chính sách, phương pháp quản lý, đến ứng xử của cộng đồng, xã hội đối với từng sản phẩm công nghiệp văn hoá.
Liên quan đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD cho rằng, để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD: Rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất như cho vay nông nghiệp (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
“Ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa. Đơn cử BHD thuê rạp chiếu phim ở các trung tâm thương mại thì phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác, rất khó khăn. Một vé xem phim giá chỉ bằng cốc café thôi vì nó là văn hóa đại chúng, mọi người dân đều được tiếp cận, nếu giá thuê cao cạnh tranh với những hàng ăn, hàng xa xỉ thì không cạnh trạnh được mà các doanh nghiệp cho thuê không giảm giá. Nên giảm giá tiền thuê đất, tiền điện, nước rất quan trọng”, bà Ngô Thị Bích Hạnh nêu.
Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group đề xuất cần coi nhiệm vụ Quy hoạch Công nghiệp văn hóa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch Công nghiệp văn hóa từng thời kỳ là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam.
Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đề xuất có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện Dự án công trình văn hoá như nhà hát, trung tâm thể dục thể thao, công viên văn hoá… theo hình thức đối tác công tư. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Về cơ chế chính sách, bà Nguyễn Thái Hoài Anh cho biết Tập đoàn Sun Group nhận định, hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và mời gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án về văn hóa, du lịch là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm và lĩnh vực văn hóa, theo chúng tôi đánh giá, chưa có cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư như các chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai,…
“Vì vậy, kính đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa”, đại diện Sun Group nhấn mạnh.
Về cơ chế xã hội hóa đầu tư, bà Nguyễn Thái Hoài Anh đề nghị có cơ chế khuyến khích các Nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án công trình văn hoá như Nhà hát, Trung tâm Thể dục thể thao, Công viên văn hoá… theo hình thức đối tác công tư.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, với mong muốn nghiên cứu, đầu tư và xây dựng công trình kiến trúc mang dấu ấn vượt thời gian tại Thủ đô Hà Nội, Tập đoàn Sun Group đã chủ động liên hệ với kiến trúc sư huyền thoại người Ý, Renzo Piano để đề xuất thiết kế công trình văn hóa đẳng cấp dành riêng cho Hà Nội.
Kiến trúc sư Renzo Piano đã tốn nhiều năm lên ý tưởng, dựa trên vẻ đẹp, văn hóa lịch sử của Hà Nội cũng như những huyền tích của Hồ Tây, những câu chuyện văn hóa cổ xưa vào việc thiết kế Nhà hát đa năng tại khu vực bán đảo Quảng An. Đồng thời, kết hợp với vật liệu xây dựng và thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới vào tác phẩm này.
“Chúng tôi tin tưởng, nếu được triển khai Nhà hát đa năng tại khu vực bán đảo Quảng An, thì đây không đơn thuần là một công trình kiến trúc văn hóa đẳng cấp, biểu tượng của Thủ đô thời kỳ mới, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang linh hồn Hà Nội, là điểm đến của Thế giới và là niềm tự hào của công trình văn hóa đương đại”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group chia sẻ.
Tuy nhiên, tính tới nay, dù các cấp chính quyền Hà Nội đã hết sức nỗ lực, dự án vẫn đang nằm trên bản vẽ. Vì vậy, Tập đoàn Sun Group đề xuất, cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để triển khai công trình văn hóa mang tầm thế giới tại Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Bên cạnh đó, thực tế đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hoá dân tộc, cũng như, cần có trình độ, kỹ thuật, ngoại ngữ… Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Tập đoàn Sun Group đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, tỉnh thành, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề, xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ việc phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa tại địa phương…về
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tháng 10 vừa qua, TP.HCM đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp văn hoá của Thành phố đến năm 2030. Với Đề án này, TP.HCM tập trung các ngành như nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo thời trang, triển lãm, điện ảnh và du lịch văn hoá.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: TPHCM mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư xem xét, lựa chọn TPHCM để phát triển công nghiệp văn hoá (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Ông Phan Văn Mãi cho rằng, để triển khai phát triển văn hoá, vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển các thiết chế văn hoá, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm văn hoá, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hoá, quảng bá, hợp tác quốc tế… là những trọng tâm.
“Bên cạnh đó là khung pháp lý, chính sách để phát triển công nghiệp văn hoá. Nên lấy doanh nghiệp, những người lao động trong lĩnh vực sáng tạo ngành công nghiệp văn hoá này là trọng tâm để chúng ta thiết kế. Cần có những quy định của pháp luật, quy chuẩn. Khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Bên cạnh chính sách về tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế… nên chú ý vào các cơ chế, chính sách vượt trội, đạt phá, tiếp cận với ngành công nghiệp sáng tạo chứ không như các ngành công nghiệp truyền thống. Nên có Nghị quyết của Chính phủ, dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo những động lực cho phát triển ngành công nghiệp này”, ông Phan Văn Mãi nói.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà thông tin, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 với các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà: Thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
TP. Hà Nội xác định các lợi thế của Thủ đô để triển khai, trước mắt đó là du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, ẩm thực, phần mềm và các trò chơi giải trí… Đến nay thành phố Hà Nội nỗ lực điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô sửa đổi Luật Thủ đô để đưa ngành công nghiệp văn hóa thành ngành mũi nhọn đóng góp cho phát triển Thủ đô một cách bền vững.
“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn như vấn đề hợp tác đầu tư công-tư bảo tồn phát huy những giá trị di sản, định mức đơn giá trong xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, bền vững của các cơ chế, cơ quan Nhà nước quản lý di sản văn hóa, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần hoạt động văn hóa và các cá nhân nghiên cứu khoa học ở trên các lĩnh vực”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà nói.
Liên quan đến tạo cơ chế, thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa, phát biểu Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới gồm:
Khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.
Về các nhiệm vụ cụ thể, các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, binh đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có các chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.
Bộ Xây dựng: Tập trung đầu tư, khai thác các sáng tạo đột phá trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, xây dựng và thiết kế nội thất, đặc biệt đối với quy hoạch đô thị.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững
Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm.
Đóng góp của công nghiệp văn hóa năm 2021 đạt 3,92% GDP. Năm 2022, tăng lên 4,04% GDP.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, người lao động tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Giai đoạn 2018-2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá cao ở mức 7,2%/năm (hiện có trên 70.000 cơ sở kinh tế). Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh ở mức 7,4%/năm (hiện thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của toàn nền kinh tế).
Nguồn: Báo Đầu tư