Quay lại

Các startup công nghệ cần làm gì để duy trì cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái?

Thu nhập tăng, mức độ thâm nhập Internet nhanh chóng cùng những chính sách hỗ trợ thân thiện từ phía các chính phủ là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của các công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á, theo Tech Collective. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn chung, các công ty không tránh khỏi đối mặt với những thách thức ảnh hưởng đến quỹ đạo tăng trưởng.

ẢNH HƯỞNG KHÓ KHĂN TỪ XUNG ĐỘT KINH TẾ - CHÍNH TRỊ TOÀN CẦU

Trước hết, giá cả các mặt hàng bao gồm thực phẩm và năng lượng ngày càng leo thang, nhất là sau cuộc xung đột tại Trung Đông (khu vực đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và vận chuyển dầu mỏ) giữa Iran và Israel.

Trong đó, mặc dù Israel không phải là nhà sản xuất dầu mỏ quan trọng, tuy nhiên, Iran lại là quốc gia đóng góp quan trọng vào ngành sản xuất dầu của thế giới. Vì vậy, gián đoạn trong hoạt động của quốc gia này đã và đang làm làm tăng mối lo ngại về giá dầu. Bên cạnh đó, nhằm ứng phó với lạm phát, Hoa Kỳ đã tăng đáng kể lãi suất lên mức 5,5% như hiện nay.

Không chỉ khu vực Trung Đông, căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là nguyên nhân đe dọa sự thịnh vượng của khu vực. Mặc dù vậy, rõ ràng Đông Nam Á cũng đang nhận được những lợi ích từ sự tách biệt kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ.

Cụ thể, các nhà sản xuất hàng đầu nước Mỹ đã dịch chuyển nhà máy sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan và danh sách đen của chính phủ hai nước. Hoạt động “tái định cư” này đã khơi thông một dòng vốn đầu tư lớn vào các quốc gia như Singapore, Việt Nam, Malaysia và Indonesia trong hai năm qua.

ĐỐI MỚI ĐỒNG THỜI THẮT CHẶT CHI TIÊU

Công nghệ luôn là lĩnh vực siêu cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp đổi mới và thích ứng liên tục để phát triển mạnh mẽ. Trước tình trạng suy thoái kinh tế, việc áp dụng các mô hình kinh doanh linh hoạt và tinh gọn là điều bắt buộc đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ động lực thị trường để cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng xu thế và nhu cầu của khách hàng mục tiêu, đồng thời cũng cần đảm bảo xây dựng hoạt động liền mạch từ nghiên cứu, sản xuất đến cung ứng.

Phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp đồng thời đánh giá hiệu quả chi phí là điều doanh nghiệp cần thực hiện khi việc huy động vốn trở nên khó khăn. Nếu không thể nhận được cơ hội tài trợ, bằng cách giảm thiểu chi tiêu, các công ty ít nhất cũng không được để đường băng tài chính bị thu hẹp.

Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm bắt đầu giảm trong quý I/2022. Mới đây theo DealStreetAsia, quý 1/2024 chứng kiến dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup Đông Nam Á giảm xuống mức thấp nhất hơn 5 năm qua. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, trong thởi điểm nay, điều cần thiết là phải giảm chi phí, bảo toàn vốn tích lũy và đảm bảo đủ nguồn tài chính để chống chọi với những đợt suy thoái, có thể kéo dài từ 12 đến 24 tháng.

GIA TĂNG HỢP TÁC VÀ TĂNG CƯỜNG ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn như hiện nay, việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giúp các công ty tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và khả năng hoạt động. Chẳng hạn như Grab, gã khổng lồ về dịch vụ gọi xe có trụ sở tại Singapore đã hợp tác với Booking Holdings, công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ lưu trú trực tuyến và Thương mại điện tử du lịch.

Thông qua quan hệ đối tác, các thương hiệu của Booking Holdings có thể cung cấp dịch vụ vận chuyển theo yêu cầu thông qua ứng dụng của họ, được hỗ trợ bởi Grab. Ngược lại, người tiêu dùng Grab sẽ có cơ hội đặt phòng trên toàn cầu thông qua Booking.com và agoda.

Ngoài ra, đầu tư nâng cao kỹ năng cho nhân cũng rất quan trọng để các công ty duy trì lợi thế cạnh tranh. Lực lượng lao động được đào tạo tốt và nhanh nhẹn cho phép các công ty khởi nghiệp đổi mới liên tục, cải thiện dịch vụ và thích ứng hiệu quả với những tiến bộ công nghệ và thay đổi của thị trường.

Hiện tại, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, chất là sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo, nhân sự có kỹ năng công nghệ ngày càng được săn đón, với dự đoán sẽ thiếu hụt nhân tài công nghệ toàn cầu là 85,2 triệu người vào năm 2030.

Trên thực tế, việc áp dụng các chiến lược này giúp các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á không chỉ tồn tại trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu mà còn phát triển mạnh về lâu dài. Mặc dù suy thoái đặt ra những thách thức to lớn nhưng chúng cũng mang lại cơ hội cho sự tăng trưởng và chuyển đổi. Các công ty khởi nghiệp có thể vượt qua các điều kiện đầy thách thức cho thấy tiềm năng phát triển dài hạn trong tương lai.

Nguồn: TBKTVN