Quay lại

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế số TP.HCM cao hơn bình quân cả nước từ 5-10%

Chia sẻ của ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tại Hội thảo Thúc đẩy kinh tế số TP.HCM phát triển bền vững. Hội thảo do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) và báo Người Lao Động tổ chức ngày 7/9.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, Thành phố đang có một khát vọng lớn là lấy lại vị thế hàng đầu và đang vào cuộc mạnh mẽ để triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố với tâm thế rất cao.

Theo ông Thắng, thời gian qua TP.HCM đã nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế số, với mục tiêu là đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP; đến năm 2030 là 40% vào GRDP. Các chỉ tiêu của TP.HCM cao hơn bình quân cả nước từ 5% - 10%... nên hội thảo rất mong nhận được nhiều góp ý từ các chuyên gia, doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế số.

Hiện, TP.HCM đang đẩy mạnh bảy nhóm giải pháp để thúc đẩy kinh tế số, trong đó có giải pháp phát triển hạ tầng số, phát triển hạ tầng Internet tốc độ cao và mạng viễn thông; Phát huy sứ mệnh của các doanh nghiệp công nghệ số; Triển khai đồng bộ kinh tế số với các chương trình của TP.HCM; Phát triển hệ thống dữ liệu, qua đó khai thác dữ liệu dùng chung TP.HCM với mục tiêu chia sẻ dữ liệu cho khối tư nhân để thúc đẩy kinh tế số.

TP.HCM được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, theo ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thì Thành phố đang gặp ba thách thức lớn trong phát triển kinh tế số. Đó là nhận thức chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều.

Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), TP.HCM đặt mục tiêu 40% GDP của Thành phố năm 2030 sẽ đến từ kinh tế số. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, TP.HCM đứng một mình sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu mà phải liên kết vùng, hình thành không gian lực kéo.

Tại Hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng, kinh tế số của TP.HCM dù mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển nhưng cũng đã đạt nhiều kết quả nổi trội, đặc biệt là các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, du lịch trực tuyến.

“Tinh thần từ Nghị quyết 98 là cho phép TPHCM thử nghiệm các cơ chế, chính sách (sandbox) và đối với kinh tế số, thử nghiệm rất quan trọng, do đó thành phố phải tận dụng Nghị quyết 98 để đưa ra những cơ chế, chính sách thử nghiệm cho kinh tế số”, ông Phạm Bình An chia sẻ thêm.

PGS.TS Trần Hùng Sơn, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, TP.HCM cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, kinh tế số. Cụ thể, Thành phố cần quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và đặt hàng các cơ sở đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên phát triển kinh tế số.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thành phố. Thời gian qua, TP.HCM đã có những bước đi khá vững vàng về chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số thành công là nhờ sự chung tay đóng góp, hiến kế rất lớn từ đội ngũ chuyên gia, trường viện, công đồng doanh nghiệp, hiệp hội.

Nguồn: TBKTVN