AI tạo sinh chiếm 40% tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup đám mây
AI đang nuốt chửng ngành công nghiệp phần mềm
Trong báo cáo Euroscape thường niên mới nhất xem xét các xu hướng đầu tư chính cho lĩnh vực điện toán đám mây và AI, công ty đầu tư mạo hiểm Accel cho biết tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp (startup) đám mây có trụ sở tại Mỹ, châu Âu và Israel ước đạt 79,2 tỷ USD kể từ đầu năm đến ngày 10/10, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư mạo hiểm nói trên lần đầu tiên đạt tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây và AI đóng vai trò lớn thúc đẩy sự phục hồi dòng vốn này.
Năm 2023, các startup đám mây đã huy động được 62,5 tỷ USD tại châu Âu, Israel và Mỹ trong năm 2023, báo cáo Euroscape cho biết.
Cũng theo Accel, vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực điện toán đám mây trong năm nay đã tăng 65% so với con số 47,9 tỷ USD huy động được 4 năm trước.
Vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực điện toán đám mây phục hồi mạnh mẽ sau khi OpenAI, startup được Microsoft hậu thuẫn, tạo ra tiếng vang với chatbot AI mang tên ChatGPT. Đầu tháng này OpenAI đã huy động thành công thêm 6,6 tỷ USD trong một vòng gọi vốn khổng lồ với mức định giá startup này đạt 157 tỷ USD.
Phát biểu trên đài CNBC về đầu tư vào lĩnh vực đám mây, ông Philippe Botteri, quản lý cấp cao tại Accel cho rằng: "AI đang lấn át và phả hơi nóng". "Điều này có thể thấy rõ ở cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân".
Tính đến ngày 30/9, chỉ số Euroscape - một danh sách các công ty đám mây đã niêm yết của Mỹ, châu Âu và Israel do Accel tuyển chọn - đã tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này chỉ bằng một nửa mức tăng của chỉ số Nasdaq trong năm nay, thậm chí giảm nhiều so với mức cao kỷ lục mà chỉ số Euroscape thiết lập năm 2021.
Ngoài trừ mảng AI, ngành công nghiệp đám mây đã và đang gặp khó khăn trong bối cảnh doanh nghiệp thắt chặt các khoản đầu tư cho phần mềm do lo ngại các rủi ro kinh tế vĩ mô và địa chính trị.
"Có rất nhiều điều không chắc chắn ngoài kia", ông Botteri cho biết, đồng thời nói thêm rằng các doanh nghiệp ngày càng cảnh giác trước các rủi ro xung quanh căng thẳng địa chính trị và các yếu tố kinh tế vĩ mô, những yếu tố đã ảnh hưởng đến các ưu tiên chi tiêu của họ cho phần mềm.
Không một công ty nào trong chỉ số Euroscape của Accel đạt tăng trưởng doanh thu hơn 40% trong năm nay, trong khi năm 2021 có 23 doanh nghiệp đạt thành tích này.
Theo ông Botteri, đầu tư cho công nghệ thông tin đang chuyển hướng sang AI. "Chúng vẫn đang tăng nhẹ, nhưng tăng vài phần trăm so với cùng kỳ năm trước", đại diện Accel cho biết.
Đại diện Accel nói thêm rằng: "Một phần trong số đó là ngân sách dành cho AI tạo sinh, xây dựng các ứng dụng mới, thử nghiệm các công nghệ mới này, vì vậy phần còn lại sẽ ít hơn".
Các mô hình nền tảng hấp dẫn nhà đầu tư
Sáu công ty AI tạo sinh hàng đầu tại Mỹ, châu Âu và Israel chiếm khoảng 2/3 tổng số vốn đầu tư mạo hiểm mà các startup AI tạo sinh huy động được, theo báo cáo Euroscape của Accel.
Điển hình, OpenAI đã huy động được 18,9 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2024, chiếm phần lớn nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các công ty AI tạo sinh của Mỹ.
"Nhìn vào OpenAI và tốc độ đạt được doanh thu hơn 3 tỷ USD, đây là một trong những công ty phần mềm tăng trưởng nhanh nhất mọi thời đại", ông Botteri đánh giá.
Anthropic đứng thứ hai trong số các startup AI tạo sinh của Mỹ về gọi vốn đầu tư mạo hiểm, với số vốn huy động được lên tới 7,8 tỷ USD, trong khi đó công ty xAI của tỷ phú Elon Musk đứng thứ ba.
Tại châu Âu, Wayve của Vương quốc Anh dẫn đầu về gọi vốn đầu tư mạo hiểm, theo sau là Mistral của Pháp và Aleph Alpha của Đức.
Trên toàn cầu, các công ty xây dựng cái gọi là “mô hình nền tảng” cung cấp năng lượng cho nhiều công cụ AI tạo sinh ngày nay, chiếm 2/3 tổng nguồn đầu tư mạo hiểm vào các công ty AI tạo sinh, Accel cho biết.
Mỹ dẫn đầu thế giới về tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào AI tạo sinh. Trong tổng vốn đầu tư 56 tỷ USD vào các công ty AI tạo sinh trên toàn cầu trong giai đoạn 2023-2024, khoảng 80% số tiền đã được chuyển cho các công ty có trụ sở tại Mỹ, Accel cho biết. Đáng chý ý, Amazon, Microsoft, Google và Meta đều đầu tư trung bình từ 30 đến 60 tỷ USD vào AI mỗi năm.
Accel cho biết các "ông lớn" công nghệ AI như OpenAI, Anthropic và xAI đang chi hàng tỷ USD cho công nghệ này, trong khi những đối thủ nhỏ hơn như Cohere, H và Mistral đang đầu tư hàng chục đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Theo ông Dev Ittycheria, Giám đốc điều hành công ty cơ sở dữ liệu MongoDB (Mỹ), các mô hình AI mạnh nhất có thể sẽ chỉ phù hợp với một số ít công ty có thể thu hút lượng vốn cần thiết để đầu tư vào các trung tâm dữ liệu và chip để đào tạo và vận hành hệ thống.
Ông Ittycheria cho răng: "Việc tiếp cận vốn sẽ tác động sâu sắc đến hiệu suất của các mô hình này".
"Tôi cá là theo thời gian, sẽ không có nhiều nhà cung cấp mô hình như vậy, có thể chỉ còn một hoặc hai nhà cung cấp", Giám đốc điều hành MongoDB dự đoán.
Nguồn: Báo Đầu tư