Quay lại

Cơ hội cho ngành dịch vụ pháp lí khi Việt Nam gia nhập TPP

Ngành dịch vụ pháp lí Việt Nam

Pháp lệnh Luật sư ra đời đầu tiên vào năm 1987, công nhận chính thức nghề luật sư tại Việt Nam. Thời điểm đó, nghề này chưa phát triển. Các văn phòng luật sư chỉ xuất hiện rải rác.

Luật Doanh nghiệp ra đời năm 2000, đi đôi với nhiều nguồn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, tạo sân chơi rộng hơn cho các luật sư.

Pháp lệnh Luật sư năm 2001 ra đời, góp phần chuyên nghiệp hóa dần các hoạt động và dịch vụ pháp lý. Nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh. Nhu cầu dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) cũng tăng theo. Chính từ những thuận lợi trên, nhiều văn phòng luật sư đã ra đời, trong đó có nhiêu vân phòng chuyên về Luật Kinh doanh. Tính chung từ sau Pháp lệnh Luật sư có hiệu lực, các tổ chức hành nghề luật sư ra đời trải dài khắp cả nước, lên đến con số hàng ngàn, trong đó bao gồm cả các đại diện của nước ngoài.

Đặc biệt, Luật Luật sư số 65/2006/QH11 năm 2006 ra đời, tiếp nối sau đó là Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư (hai văn bản được hợp nhất trong văn bản 12/VBHN-VPQH) góp phần nâng tầm nhận thức và chuyên nghiệp hóa hơn nữa vai trò của nghề luật sư.

Trong nội dung của Luật Luật sư, văn phòng luật sư và các công ty luật là hai loại hình hoạt động của dịch vụ luật sư. Sản phẩm chính là các dịch vụ pháp lý mà nghề này cung cấp.

Theo điều 22 của Luật, phạm vi hành nghề của luật sư khá rộng, gồm có: Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật; Thực hiện tư vấn pháp luật; Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; và thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật. Một số dịch vụ pháp lí khác được Luật qui định tại điều 30 gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật....

Như vậy, Luật Luật sư 2006 và Luật sửa đổi bổ sung 2012 đã thiết lập những nền tảng quan trọng cho ngành dịch vụ pháp lí tại Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy ngành nghề luật sư phát triển khá mạnh mẽ trong thời gian qua. Năm 2005, cả nước chỉ có khoảng 700 văn phòng luật sư. Hơn một năm sau, tổng số văn phòng luật sư đã nâng lên gần 1.200, tức tăng khoảng 500. Đó là chưa kể đến các luật sư hành nghề tự do, với con số cũng không nhỏ. Theo số liệu mới nhất từ bài viết của Th.S Trần Minh Sơn trên trang web của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/3/2015, Việt Nam có 63 Đoàn Luật sư, 9.436 Luật sư, trong đó có 3.500 Luật sư tập sự (TP. Hà Nội có 2.476 Luật sư; TP. Hồ Chí Minh có 3.756 Luật sư).

Gia nhập TPP: bước phát triển tiếp theo của dịch vụ pháp lí

Ngày 05/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tuyên bố kết thúc đàm phán.

Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước , doanh nghiệp vừa và nhỏ vv...

Có năm nội dung chính đã làm TPP trở thành một Hiệp định quan trọng của thế kỷ 21, đặt ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu, đồng thời tiếp tục giải quyết các vấn đề của thời đại mới. Những nội dung đó bao gồm: (a) Tiếp cận thị trường toàn diện; (b)  Cách tiếp cận cam kết trong khu vực; (c) Xem xét các thách thức thương mại mới; (d) Thương mại toàn diện và (e) Nến tảng hội nhập khu vực.

Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp các Công ty Luật, Văn phòng Luật sư có thêm nhiều việc làm trong việc kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan chính quyền; thúc đẩy cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Bên cạnh đó, hiệp định TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao vị thế của các tổ chức dịch vụ pháp lý bằng cách tạo thêm nhiều việc để làm hơn cho đội ngũ Luật sư, tư vấn pháp luật, nhất là các việc liên quan đến tư vấn pháp luật đầu tư, môi trường, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh...

Việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP cũng sẽ đẩy nhanh quá trình Luật sư Việt Nam hội nhập quốc tế, mở rộng phạm vi hoạt động ra khu vực và các nước trên thế giới.

Cơ hội từ xu hướng M&A

Gia nhập TPP, vốn đầu tư từ các nước sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Cùng với đó, hoạt động M&A dự kiến sẽ phát triển sôi động.

Trước năm 2007, mỗi năm Việt Nam chỉ có không quá 50 thương vụ M&A, với giá trị giao dịch cao nhất khoảng 300 triệu USD. Bắt đầu từ năm 2009, giá trị của các thương vụ M&A đã đạt hơn 1,08 tỷ USD và đến năm 2012 giá trị này đã tăng thành 5,1 tỷ USD. Theo dự kiến của các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của hoạt động này đến năm 2017 có thể đạt 25-30%.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng tích cực trong việc mua hoặc nhận sáp nhập, tỷ lệ này tăng từ 22% năm 2008 lên 45% năm 2012. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều hoạt động M&A phải kể đến Tập đoàn Masan, Tập đoàn Kinh Đô, Viettel, Vingroup.

Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A có giá trị cao với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trên nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngân hàng, bán lẻ và bất động sản. Trong ngành ngân hàng, có thể kể đến các thương vụ M&A lớn như Ngân hàng Á Châu (ACB) bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng Techcombank bán 20% cổ phần cho Ngân hàng HSBC,  Ngân hàng An Bình bán 20% cổ phần cho Ngân hàng BNP Paribas, Ngân hàng Đại Á bán 49% cổ phần cho Ngân hàng Tín Nghĩa, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) bán 20% cổ phần cho Ngân hàng Tokyo-Mitshubishi UFJ, … Trong lĩnh vực bất động sản, chỉ tính trong năm 2015, Hồng Kông Gaw Capital Partners chi 110 triệu USD mua lại 4 dự án từ Indochina Plaza vào tháng 6; trong tháng 7, quỹ Creed Group (Nhật Bản) cũng đã quyết định rót 200 triệu USD đầu tư vào Công ty Bất động sản An Gia (An Gia Investment); cuối tháng 10, quỹ đầu tư Singapore Genesis Global Capital cam kết đầu tư 300 triệu USD vào Phúc Khang... Ở các ngành hàng sản xuất, với chất xúc tác CPH và thoái vốn DNNN theo chủ trương của Chính phủ cùng Nghị định 60/NĐ-CP về nới room, nhiều chuyên gia dự báo, các nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục dấn bước trên con đường thâu tóm, mua lại các DN nội, đặc biệt DN trong các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo. 

Bên cạnh Nghị định 60/NĐ-CP, nhà nước cũng có nhiều động thái khác đóng vai trò định hướng, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động M&A, đặc biệt là việc ban hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014. Có 3 thay đổi lớn sẽ tác động đến hoạt động M&A tại Việt Nam. Thứ nhất là sự an toàn cho các khoản đầu tư theo Luật Doanh nghiệp mới sẽ được cải thiện. Thứ hai, Luật Doanh nghiệp mới không hạn chế thực hiện M&A, sáp nhập các công ty khác loại hình như luật cũ, tức một công ty cổ phần có thể sáp nhập với một công ty TNHH, mà không cần thực hiện thêm bước chuyển đổi loại hình DN. Thứ ba là sự thay đổi trong Luật Đầu tư, xét về thủ tục thì M&A dễ dàng, đơn giản hơn so với việc nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài thành lập DN mới. Chẳng hạn, một NĐT nước ngoài thành lập DN phải thực hiện ít nhất 30 thủ tục, nhưng theo luật mới, khi mua cổ phần, góp vốn dưới 51%, không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì họ không phải làm thủ tục đầu tư, mà chỉ cần thực hiện đăng ký thay đổi thành viên. Thủ tục đơn giản hơn sẽ kích thích hoạt động M&A.

Như vậy, cơ hội mở rộng không chỉ với ngành tài chính mà còn với ngành dịch vụ pháp lí trong lĩnh vực tư vấn cho các thương vụ mua lại và sáp nhập, vì ngoài các vấn đề về thương mại, nhà đầu tư khi quyết định thực hiện thương vụ M&A cũng đặt nhiều quan tâm đến các rủi ro về pháp lý.

Sở hữu trí tuệ: cơ hội hay thách thức?

Theo nhiều chuyên gia, sở hữu trí tuệ (SHTT) là một vấn đề phức tạp cho Chính phủ Việt Nam khi hội nhập TPP. Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phá sản và giải thể nếu như không chuẩn bị trước để đáp ứng các quy định về SHTT trong TPP. 

Trong 30 chương của Hiệp định TPP, người ta đã dành hẳn một chương riêng về SHTT, trong đó điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền SHTT.

Những nội dung liên quan đến việc bảo vệ những chỉ dẫn địa lý mới, bao gồm cả những chỉ dẫn địa lý đã được công nhận hoặc được bảo vệ ở những hiệp định quốc tế khác. Việc bảo vệ này bao gồm cả việc phân định rõ mối quan hệ giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, Hiệp định TPP yêu cầu Việt Nam gia nhập Điều ước về Luật Nhãn hiệu. Điều ước đòi hỏi phải đơn giản hóa thủ tục, xác định quyền đối với nhãn hiệu, tức là thủ tục đăng ký nhãn hiệu.

Chính Phủ Việt Nam đang xem xét xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự trong đó quy định rất rõ những tội danh liên quan đến SHTT và khung hình phạt đối với tội danh này. Hiện nay, các vụ vi phạm bản quyền chủ yếu xử lý bằng xử phạt hành chính nhưng khi triển khai TPP, các vi phạm này phải xử lý hình sự.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Phòng Pháp chế, Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, tham gia TPP, các nước yêu cầu phải bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tức là tên gọi của các địa phương dùng để chỉ dẫn hàng hóa, những đặc sản của vùng miền, ví dụ như “Cà phê Buôn Ma Thuột” hay “Nước mắm Phú Quốc”. Họ muốn chúng phải được bảo hộ như nhãn hiệu, thậm chí là nhãn hiệu cá thể. Tuy nhiên, nếu như có ai đó đã đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu thì người đó sẽ có quyền chống lại các chỉ dẫn địa lý khác. Điển hình như khi Việt Nam bị mất nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” vào tay một doanh nghiệp Trung Quốc, khi chiếu theo nguyên tắc này thì Việt Nam sẽ không đòi lại được.

Trên thực tế, Việt Nam đã xác lập được quyền SHTT nhưng hệ thống thực thi quyền SHTT còn yếu kém. Nhiều trường hợp tranh chấp giữa các doanh nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp lại không có tòa án chuyên ngành để thụ lý, giải quyết. Trong khi đó các tòa án dân sự lại không có các thẩm phán về SHTT nên chưa xử được các vụ tranh chấp. Mặt khác, đội ngũ giám định viên hiện nay còn rất ít. Các tổ chức giám định gần như chưa có để giám định các vi phạm về SHTT, giúp tòa án dựa vào đó làm căn cứ khi đưa ra các quyết định.

Những điều này vừa là thách thức vừa là cơ hội cho dịch vụ pháp lí. Các luật sư và người trong ngành cần nắm vững xu hướng và nghiên cứu thêm về sở hữu trí tuệ, đưa ra những góp ý khách quan và phù hợp cho nhà làm luật để có định hướng giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp phù hợp. Cùng với những yêu cầu pháp lí về bảo hộ quyền SHTT, khó tránh khỏi phát sinh nhiều tình huống tranh chấp, những trường hợp cần sự tư vấn và hỗ trợ của ngành dịch vụ pháp lí.

(Tổng hợp – AT, ITPC)

Nguồn:

http://baochinhphu.vn/Viet-Nam-va-TPP/So-huu-tri-tue-trong-TPP-Kho-van-phai-lam/238579.vgp

http://www.moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=7049

https://dangkykinhdoanh.gov.vn/NewsandUpdates/tabid/91/ArticleID/582/Ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-M-A-t%E1%BA%A1i-Vi%E1%BB%87t-Nam-trong-th%E1%BB%9Di-gian-qua.aspx

http://cafef.vn/bat-dong-san/m-a-bat-dong-san-cuoc-choi-ngay-cang-hap-dan-20151105080227958.chn

http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/moi-truong-phap-ly-cho-ma-da-mo-rong-127502.html